Xác định được tầm quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, huyện Đại Từ, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT “đúng và trúng”, huyện tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động địa phương, dự báo tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề kết hợp với tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, đạt từ 70-75%... 

{keywords}
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT “đúng và trúng”, rất cần chú ý khâu khảo sát tình hình thực tế. Ảnh minh họa

Tại các xã, thị trấn của huyện Đại Từ, hàng năm, tùy theo nhu cầu của người dân cũng như tình hình thực tiễn địa phương, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT được tổ chức thường xuyên. Trung bình có khoảng 15 lớp đào tạo nghề được tổ chức mỗi năm, với các nghề như sản xuất, chế biến chè, đan lát, trồng rau màu, may mặc…

Cùng với nguồn kinh phí Trung ương, nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017-2019 là gần 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trước khi vào làm việc là khoảng 5 triệu đồng/lao động/tháng. 

Theo kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT Đại Từ phấn đấu bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1.500 lao động. Con số thực tế đào tạo hàng năm đều vượt kế hoạch. Hết quý III năm 2019 Đại Từ đã đào tạo được trên 1.620 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt khoảng 60%, trong đó đào tạo nghề đạt gần 40%. 

Minh Vy