- Một số nhà giáo-người viết sử cho rằng SGK không quên Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được nhắc đến khá ngắn gọn gắn với các sự kiện lịch sử mà không có bài học riêng. Riêng sách Ngữ văn 12 đã có 6 trang giới thiệu tiểu sử và trích hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng.
Dù không xuất hiện trong SGK Lịch sử nhưng riêng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD-ĐT đã dành 6 trang (từ trang 204-210, SGK Ngữ Văn 12 tập 1) trích Hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng (thể loại Hồi kí). |
“Bỏ quên?”
Ở bộ môn quan trọng là Lịch sử dạy ở phổ thông không có dòng nào viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ thể, ở SGK Lịch sử lớp 9, phần sử Việt Nam có 21 bài, trong đó có bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) ở trang 119, có nêu diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tương tự, trong SGK Lịch sử lớp 12, bài 20 với cũng nội dung trên, dù nêu chi tiết hơn về diễn biến trận đánh Điện Biên Phủ, nhưng cũng không một lần nhắc tên nhân vật lịch sử: Võ Nguyên Giáp. Tìm trong những bài đọc thêm cũng không thấy nhắc đến tên tuổi Đại tướng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội một người có nhiều năm giảng dạy và viết lịch sử cho rằng: “SGK Lịch sử VN chủ yếu nói tới thống soái, tổng chỉ huy, Bộ chính trị,…ít nói tới các cá nhân. Về vấn đề báo chí nêu, quan điểm của tôi như vậy không phải ta không tôn trọng Đại tướng. Nhưng nhắc đến chiến thắng là nhắc đến công lao của Đảng, Chính phủ, toàn quân và toàn dân.
Và dù không nói nhưng những chiến dịch như Điện Biên Phủ hay Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mọi người vẫn đều hiểu ngầm và nghĩ tới công lao của Đại tướng, của Bác Hồ. Chiến dịch bản thân nó đã gắn với một con người nhất định.
Ở Hà Nội tôi biết học sinh khi học đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giáo viên có cho các em tới thăm Tổng hành dinh trong thành nội. Nhắc đến đây tự các em học sinh cũng có thể hiểu người chủ trì và có công lao to lớn là Đại tướng. Như vậy, cách truyền đạt của giáo viên và phương pháp dạy học gắn với thực tiễn cũng rất quan trọng”.
Đồng quan điểm, GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Bình, khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Đỗ Thanh Bình cho rằng: “Trước nay SGK lịch sử không có những bài viết hẳn về lãnh tụ. Hình ảnh Bác Hồ được gắn vào việc thành lập Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.
Sẽ “quan tâm đúng mực”
Tối 6/10, cả ngàn người vẫn tập trung trước số nhà 30 Hoàng Diệu mong được tiếp tục vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù gia đình đã thông báo giờ nghỉ. (Ảnh: VietNamNet) |
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng: “Nếu có thể, chương trình và SGK phổ thông sau 2015 nên đưa thông tin về Đại tướng hoặc có bài đọc thêm. Không chỉ vấn đề của Đại tướng, trong SGK mới có nhiều nội dung tôi rất muốn đưa vào như chủ quyền biển đảo, chiến tranh biên giới 1979 hiện còn đề cập một cách mờ nhạt bởi cả chủ quan người viết và khách quan của thời đại.
GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ: “Khi còn sống, Đại tướng ít khi nói về mình. Nhưng khi đã mất, thấy cần phải tôn vinh thì một bài đọc thêm cũng nên cho vào để giáo dục tình yêu đất nước cho học sinh”.
Về việc đưa hình ảnh Đại tướng vào SGK, PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi sẽ quan tâm đến những vấn đề này một cách đúng mực, phù hợp với định hướng đổi mới và đặt trong tổng thể của toàn bộ chương trình.
Một thành viên khác của Thường trực ban soạn thảo Đề án trên, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng: “Cá nhân tôi thấy giáo dục truyền thống, nhân cách lớn cho học sinh là rất cần. Đưa hình ảnh Đại tướng vào SGK cũng là một trong những cách làm có hiệu quả để giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước của thế hệ trẻ. Tuy nhiên đề án đang làm, chưa chi tiết các môn học, bài học”.
Là thành viên của ban soạn thảo chương trình SGK Lịch sử, Địa lý GS Nguyễn Ngọc Cơ cho biết: “Hướng chương trình, SGK mới sẽ dạy theo chủ đề, ví dụ: chủ đề kiến thức biển đảo, chủ quyền biên giới, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ..những kiến thức liên môn sẽ được áp dụng. Trong từng chủ đề những tấm gương hi sinh cho độc lập tự do, những tên tuổi như Đại tướng gắn liền với những chiến thắng đó sẽ xuất hiện trong việc dạy và học ở nhà trường phổ thông”.
6 trang SGK về Đại tướng
Người dân xếp hàng xuyên đêm chờ viếng Đại tướng (Ảnh: VietNamNet). |
Dù không xuất hiện trong SGK Lịch sử nhưng riêng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD-ĐT đã dành 6 trang (từ trang 204-210, SGK Ngữ Văn 12 tập 1) trích Hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng (thể loại Hồi kí).
6 trang đã dành giới thiệu vắn tắt xuất thân và những công lao của Đại tướng cho đất nước. Những năm tháng không thể nào quên là tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện đã ghi lại một số hình ảnh của Bác trong những năm tháng không thể nào quên của thời kì đầu mới giành được chính quyền, khi vận mệnh của Tổ quốc đa có lúc như ngàn cân treo sợi tóc.
Thông qua cuốn sách, tầm tư tưởng và tầm văn hóa lớn của Đại tướng cũng đã phần nào được thể hiện một cách sinh động, chân thật.
Văn Chung