- Sở Y tế Đắk Lắk kết luận vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân có thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời.
Bó bột ban đầu là sai
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long vừa công bố kết luận sự việc bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) - bị bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin cưa chân hồi tháng 3 vừa qua.
Theo Sở Y tế, bệnh nhân Vi chuyển vào khoa Ngoại, bệnh viện Cư Kuin lúc 12h15 ngày 6/3 trong tình trạng vỡ mâm chày xương cẳng chân, được bác sĩ Y Tâm (khoa Ngoại) chỉ định bó bột.
8h ngày 7/3, bác sĩ Y Tâm đã mời bác sĩ Trịnh Đức Lam (Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại) khám lại. Bệnh nhân sau đó được xếp mổ chương trình - mổ kết hợp xương.
Kết luận của Sở Y tế Đắk Lắk về vụ nữ sinh bị cưa chân |
Sau mổ 1 ngày, đùi và cẳng bàn chân bệnh nhân sưng to, phổng nước nên các bác sĩ đã chỉ định rạch bột, chuyển lên phòng mổ nhưng do chân phải nổi nhiều mụn nước, sưng nề nên hoãn mổ và đưa về khoa Ngoại để tiếp tục điều trị nội khoa bằng kháng sinh, giảm đau, kháng histamin, gác chân cao...
Khoảng thời gian này, bệnh nhân được chỉ định theo dõi chèn ép khoang.
Phía gia đình cho rằng sáng 8/3 đã xin ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện cho bệnh nhân Vi chuyển viện nhưng không được đồng ý.
Tuy nhiên ông Tâm cho biết, ông không nghe rõ việc người nhà xin phép chuyển viện. Qua xác minh, Sở Y tế cho rằng nội dung này chưa đủ chứng cử để kết luận. Gia đình cháu Hà Vi cũng không có thắc mắc.
Đến 9h ngày 11/3, khám thấy bệnh nhân đau tức tại chỗ bó bột, nổi nốt phổng nước, bệnh viện huyện Cư Kuin đã chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân Vi bị chèn ép khoang cẳng chân ngày thứ 5, rối loạn cảm giác, vận động cẳng chân, được chỉ định mổ cấp cứu nhưng gia đình không đồng ý, xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều chị vào lúc 13h30 cùng ngày.
Sau vụ việc, Sở Y tế Đắk Lắk đã tiến hành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét toàn bộ vụ việc.
Trong đó kết luận, nguyên nhân khiến chân bệnh nhân Vi bị hoại tử là do chèn ép 4 khoang cấp tính đến muộn/gãy kín mâm chày phải. Đây là trường hợp bệnh khó, hiếm gặp, bệnh cảnh chèn ép khoang không điển hình.
Tuy nhiên việc bác sĩ Y tâm chỉ định điều trị bó bột ban đầu là sai. Dựa trên phim X-quang của bệnh nhân lúc vào viện được chẩn đoán gãy kín mâm chày phải, theo phân loại scharztker thuộc type IV - có chỉ định kết hợp xương bên trong.
Ngoài ra sau khi bác sĩ thực hiện bó bột đã không rạch dọc bột để phòng tránh các biến chứng chèn ép và không theo dõi sát diễn biến của bệnh sau khi bó bột.
Đáng nói bác sĩ Y tâm là bác sĩ nội khoa nhưng lại được phân công vị trí làm việc tại khoa Ngoại.
Đề nghị kỷ luật Ban giám đốc
Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, bệnh nhân Vi đã được đón tiếp kịp thời, chu đáo, chỉ định cận lâm sàng phù hợp, chẩn đoán và xử trí cấp cứu ban đầu phù hợp. Có phương hướng điều trị tích cực sớm, khi bệnh nhân có biểu hiện chèn ép khoang cấp đã cho y lệnh cắt bó bột và điều trị chống viêm giảm phù nề.
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi sau ngày xuất viện. Ảnh: Trùng Dương |
Tuy nhiên hồ sơ trong hội chẩn lần 1 vào ngày 7/3 không ghi đầy đủ nội dung, thời gian hội chẩn và không ghi tên phẫu thuật viên. Các thành viên tham gia hội chẩn cũng không nhận định được tình trạng diễn biến của bệnh.
Các bác sĩ trực tiếp điều trị chưa ý thức cảnh giác phòng, chống hội chứng chè ép khoang cấp tính. Do đó bệnh nhân chưa được thăm khám các nội dung phù hợp với bệnh cảnh hiện tại.
"Trách nhiệm thuộc về tập thể Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn, khoa Ngoại của bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin và các cá nhân có liên quan gồm: Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện, ông Y tâm - bác sĩ khoa Ngoại, ông Trịnh Đức Lam - Phó giám đốc kiêm trưởng khoa Ngoại và ông Lê Quang Nghĩa - Phó giám đốc bệnh viện", Sở Y tế Đắk Lắk kết luận.
Trong đó bác sĩ Trịnh Đức Lam là phẫu thuật viên chính đối với bệnh nhân Vi nhưng khi khám bệnh, phát hiện chân tổn thương căng cứng, nổi phồng nước không đánh giá, tiên lượng được tổn thương sâu xa và biến chứng của loại gãy này, chỉ chú ý đến xương gãy mà không chú ý đến biến chứng sau gãy xương vùng này.
BS Lê Quang Nghĩa là người trực lãnh đạo cùng hội chẩn với bác sĩ nhưng không nắm được chuyên môn để chỉ đạo các bác sĩ trong khoa xử lý.
Do đó Sở Y tế yêu cầu, bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin phải tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân nói trên.
Đối với các điều dưỡng Vũ Thị Kim Len, Lê Thị Long, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Vũ Nguyên chỉ là những người thực hiện đầy đủ theo y lệnh của bác sĩ cho nên chưa đủ căn cứ quy trách nhiệm liên quan.
Bệnh viện huyện Cư Kuin cũng phải có trách nhiệm động viên, hỗ trợ kinh phí để giảm bớt khó khăn về tài chính đối với gia đình bệnh nhân; hỗ trợ chi trả chi phí điều trị, chi phí tái khám, lắp chân giả đối với bệnh nhân Vi tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM.
Đồng thời Sở Y tế cũng đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin theo nghị định 176 của Chính phủ.
Sau khi được thông báo bản dự thảo kết luận thanh tra, ông Lê Văn Long (bố bệnh nhân Hà Vi) và gia đình đề nghị Sở Y tế miễn giảm hình thức kỷ luật cho các y bác sĩ bệnh viện Cư Kuin. |
Thúy Hạnh