Du lịch được xem là phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hoá có hiệu quả lâu dài, là cầu nối ngắn ngắn nhất để nối kết các dân tộc lại với nhau, là nhịp cầu nối các nền văn hoá cùng một đất nước hay rộng hơn cả thế giới lại với nhau. Đồng thời, muốn du lịch phát triển bền vững thì trên sự khai thác các giá trị tài nguyên du lịch phải hiệu quả, mang bản sắc riêng không bị trùng lặp với nơi nào khác.
Thực trạng du lịch hiện nay tại Đắk Lắk nói riêng và Tây nguyên nói chung còn mang tính tự phát, hoặc nếu có tổ chức thì còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thật sự đồng bộ; còn tập trung khai thác vào tài nguyên thiên nhiên theo thời điểm mà chưa tập trung theo chiều sâu. Vì thế, để phát triển du lịch bền vững tại Đắk Lắk, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống
Xây dựng chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà-phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh…
Định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề.
Kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; tập trung xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà-phê của thế giới”.
Việc xác định những địa điểm trọng điểm du lịch để tập trung hỗ trợ hoặc đầu tư bài bản là điều mà Đắk Lắk đang triển khai, trong đó chú trọng yếu tố văn hoá, ẩm thực, âm nhạc và cảnh quan đảm bảo tính truyền thống và giữ được bản sắc.
Xây dựng đặc trưng du lịch từng địa điểm
Để thu hút khách du lịch thì mỗi địa phương phải có chiến lược thiết kế các hình thức du lịch độc đáo và đặc trưng của từng vùng miền. Nghiên cứu và chọn thế mạnh của địa phương mình trở thành điểm mạnh trong hoạt động trải nghiệm văn hoá. Muốn làm được điều đó phải có sự kết nối và đồng thuận trong người dân.
Xây dựng du lịch của địa phương phù hợp với điều kiện của các dân tộc trên địa bàn. Hoạch định chiến lược ở mọi lĩnh vực như văn hoá, đời sống, nhà cửa, giao thông, an ninh,… Có như thế khách du lịch mới có nhu cầu khám phá từ nơi này đến nơi khác và luôn cảm thấy chưa đủ để còn quay lại.
Đẩy mạnh truyền thông về du lịch
Trong giai đoạn hiện nay, một mặt chính quyền địa phương tập trung cho các chiến lược quảng bá nhưng mặt khác các điểm du lịch, lưu trú phải không ngừng nâng cao chất lượng, dịch vụ và quảng bá để thu hút sự quan tâm của du khách.
Sự kết nối giữa chính quyền, địa phương, người dân và khách du lịch là những mắc xích vô cùng quan trọng để tạo nên thành công cho du lịch từng vùng, từng cảnh đẹp của địa phương. Thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh và trong đó, kênh sáng tác văn học nghệ thuật để góp phần giới thiệu quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, văn hoá các dân tộc bản địa tại Đắk Lắk đến với công chúng.