- Ngày 28/9/1935, Nguyễn Thị Quang Thái 20 tuổi, Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới. Đó là một đám cưới chạy tang chuẩn bị gấp gáp vì bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh.
Quãng đời chung sống của Quang Thái và Võ Nguyên Giáp quá ngắn ngủi. Không kể thời kỳ vị hôn 4 năm, từ năm 1932 đến 1935, hai anh chị chỉ chung sống được 5 năm từ tháng 9/1935 đến tháng 5/1940, khi anh Giáp ra đi hoạt động cách mạng.
Lễ cưới của hai anh chị diễn ra ngày 28/9/1935. Đó là một đám cưới chạy tang chuẩn bị gấp gáp vì bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh. Ông bà Hàn Bình một mặt lo chữa chạy cho cụ, một mặt hối thúc Thái - Giáp làm ngay đám cưới.
Lương y Hồ Phi Thống được mời qua bên Đức Thọ - Hà Tĩnh là quê bà Hàn Bình để thăm bệnh, chữa trị cho bà cụ. Sau khi thăm bệnh, kê đơn bốc thuốc, cụ Hồ Phi Thống ra về, để lại một người học trò kiêm phụ việc là anh Chắt Văn chăm sóc thuốc thang cho bà cụ. Anh Chắt Văn hàng ngày báo tin về Vinh: “Cụ bà đã yếu lắm, khó qua khỏi”.
Bà Hàn Bình quyết định:
- Ta phải báo cho ông Đốc và anh Tú ngoại kia và hai cụ trong nớ. Rồi tang tóc ba năm biết sao?
Ông Hàn Bình rất đồng ý. Riêng Quang Thái không đồng ý. Chị không muốn niềm vui hanh phúc của hai người lại dây vào những sự buồn bã. Nhưng đành vậy. Chị phục tùng ý muốn của cha mẹ. Quang Thái lui vào buồng riêng, viết lá thư cuối cùng của thời kỳ vị hôn gửi cho Võ Nguyên Giáp.
Nguyễn Thị Quang Thái và Hồng Anh - vợ và con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Bà Hàn Bình đã qua bên Đức Thọ, Hà Tĩnh thăm mẹ. Tối 23/9/1935, bà đã định về Vinh. Bà không chắc bà cụ có thể qua khỏi nay mai nên bà gấp gáp lắm. Bà quyết định sẽ làm lễ cưới cho con gái chậm nhất là vào ngày 28/9/1935.
Ngày 28/9/1935, Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp tức tốc từ Hà Nội vào. Hai người ôm về rất nhiều hoa tươi. Thời ấy chỉ ở Hà Nội mới có nhiều hoa tươi đẹp. Hai người không hề tính có hôn lễ vào thời điểm ấy.
Đó là thời điểm đúng vào dịp vừa mới khai trường. Đặng Thai Mai rất bận. Anh dạy học ở cả hai trường Gia Long và Thăng Long. Võ Nguyên Giáp thì mới bắt đầu bước lên bục giảng ở trường Thăng Long.
Ông Võ Quang Nghiêm, thân sinh anh Giáp và bà Nguyễn Thị Kiên, thân mẫu anh Giáp, từ Quảng Bình ra. Em trai Võ Thuần Nho từ Hà Nội vào.
Quần áo cưới của Quang Thái và Võ Nguyên Giáp không kịp may. Ông Hàn Bình quyết định không phải vào Tòa sứ làm thủ tục đăng ký kết hôn nữa mà chỉ khai với lão Cu Ước là được. Ông nói: “Thầy đẻ cũng muốn làm đám cưới thật đàng hoàng nhưng gấp quá, đành giản tiện vậy”.
Tiệc cưới đặt ở hiệu khách, nhà không nấu. Thuê một căn nhà để đón dâu vì anh Giáp không có nhà ở Vinh. Thuê nhà ngay ở phố Maréchal Foch. Vì đi có một đoạn đường ngắn nên không phải thuê xe ô tô. Ông Hàn Bình bảo: “Thuê xe tay”. Quang Thái nói: “Như thế thà đi bộ”.
Hôn lễ xong, anh Giáp thuê một xe ô tô Renault đưa cha mẹ, chú Nho và vợ mới cưới về quê. Dọc đường, anh dừng xe để chị Thái thăm thắng cảnh Đèo Ngang.
Chị Thái đọc bài thơ của bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”...
Về An Xá, ông Nghiêm làm lễ cúng gia tiên và ra mắt anh em họ hàng làng xóm.
Đám cưới được năm hôm thì có tin bà ngoại chị Thái mất. Thái - Giáp vội vã trở ra Vinh chịu tang. "Tuần trăng mật" của hai người là như vậy.
Mai - Giáp - Thái “Mai - Giáp” là cái tên kép xuất hiện trong thư của Quang Thái gửi từ Vinh ra Hà Nội từ cuối năm 1932 khi Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp đã ra Hà Nội còn một mình Quang Thái ở lại Vinh. Quang Thái chăm viết thư, vài ngày lại có một chuyến thư gửi ra Hà Nội. Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp cũng đều đặn viết thư trả lời. Những bức thư ấy nói lên tình thân giữa Mai và Thái - Giáp. “Thái - Giáp” là cái tên kép mà Đặng Thai Mai gọi hai người trong các bức thư. Bao giờ cũng gọi Thái trước.
Quang Thái thông minh và yêu văn học. Đọc được một đoạn văn hay thế nào Quang Thái cũng tìm gặp Đặng Thai Mai để bàn luận. Tính tình dịu dàng nhưng kiên định, vừa hiền vừa bướng bỉnh, gan góc kiểu con gái xứ Nghệ, giàu lòng trắc ẩn, mau nước mắt, dễ xúc động nhưng đầy ý chí và nghị lực. |
Phạm Hồng Cư
Tiếp: Ngôi nhà Thái - Giáp