Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều đơn vị nhận ra rằng đám mây lai chính là chìa khóa giúp họ thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả. Sau đây là chia sẻ của bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc công ty IBM Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

{keywords}

Chuyển đổi số diễn ra ở cấp số nhân

Thưa bà, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận ra rằng chuyển đổi số sẽ giúp họ tồn tại. Bà có nhận định gì về việc này?

Cách đây hai năm, các doanh nghiệp có thể đã lường trước được những thay đổi lớn có thể xảy đến trong năm 2020. Sau đó, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động trên toàn cầu, buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng điều chỉnh hạ tầng công nghệ để người lao động có thể làm việc từ xa, ứng phó với những mức độ bất ổn lâu dài chưa từng có tiền lệ.

Đối với nhiều doanh nghiệp, tái thiết hạ tầng CNTT đã trở thành chìa khóa để tồn tại. Chúng ta đều biết rằng đại dịch đã thúc đẩy nhanh chóng hoạt động chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, tạo ra một làn sóng chuyển đổi theo cấp số nhân. Đối với nhiều tổ chức, điều này đồng nghĩa với thúc đẩy nhanh chóng việc di chuyển khối lượng công việc lên nền tảng đám mây bằng việc sử dụng một môi trường đám mây lai.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Giá trị Doanh nghiệp (IBV) thu thập ý kiến từ nhiều Giám đốc Điều hành đã chỉ ra rằng 59% các tổ chức đang đẩy nhanh hoạt động đầu tư vào công nghệ số do hệ quả của đại dịch. Các giám đốc điều hành giờ đây đã có niềm tin hơn vào công nghệ và họ đang đẩy nhanh phát triển doanh nghiệp cùng với chuyển đổi số.

Bà có đánh giá thế nào về thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam trong thời gian qua?

Công ty Gartner ước tính rằng hơn 85% các tổ chức sẽ áp dụng nguyên tắc ưu tiên đám mây cho đến năm 2025 cùng với hơn 95% khối lượng công việc mới được triển khai trên các nền tảng cloud-native (tăng so với mức 30% trong năm 2021). Trong một vài năm tới, Gartner dự đoán doanh thu từ đám mây sẽ vượt doanh thu ngoài đám mây đối với các thị trường CNTT doanh nghiệp có liên quan.

Việc ứng dụng mở rộng điện toán đám mây trong nhiều ngành và khu vực bao gồm các tổ chức tư nhân, chính phủ, bán lẻ, y tế và giáo dục, cùng với các lĩnh vực khác được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, trong những năm gần đây, mức tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 30% và tỷ lệ tăng trưởng vào năm 2020 đã đạt 40% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

IBM đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khảo sát của IBM cho thấy 70% giám đốc điều hành tại Việt Nam kỳ vọng công nghệ điện toán đám mây sẽ hỗ trợ họ gặt hái được những kết quả mong muốn trong 2-3 năm tới, và 56% doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ hiện đang sử dụng các nền tảng quản lý đám mây.

Không ngạc nhiên khi phần lớn các tổ chức tại Việt Nam lựa chọn sử dụng đám mây lai. Theo kết quả của một nghiên cứu toàn cầu gần đây của IBM về chuyển đổi điện toán đám mây, nhu cầu của các doanh nghiệp đã có một sự thay đổi lớn. Theo báo cáo này, không có giám đốc cấp cao nào sử dụng đám mây riêng hay đám mây công cộng trong năm 2021, giảm từ 6% trong năm 2019 – từ đó, khiến đám mây lai trở thành kiến trúc CNTT chủ đạo ở Việt Nam.

{keywords}

Kỷ nguyên đám mây lai đã bắt đầu?

Nghiên cứu về đám mây lai của IBM 2021 chỉ ra rằng dịch vụ này là sự lựa chọn số một của doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo bà, thị trường này sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới?

Chuyển đổi số cùng với phương pháp tiếp cận đám mây lai giúp nâng cấp hoạt động của công ty lên những cấp độ mới, bao gồm khả năng đổi mới nhanh hơn, nuôi dưỡng các hệ sinh thái, củng cố bảo mật, thúc đẩy sự nhanh nhẹn trong kinh doanh và gia tăng tính linh hoạt. Cụ thể, ứng dụng đám mây lai là khi hạ tầng CNTT kết nối với ít nhất một đám mây công cộng và ít nhất một đám mây riêng, từ đó, cho phép quản lý và di chuyển dữ liệu giữa hai đám mây, giúp công ty có được một hạ tầng đám mây thống nhất để có thể tiếp cận và quản lý ở mọi nơi một cách an toàn.

Theo nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp của IBM, các công ty thu về gấp 2,5 lần giá trị từ đám mây lai so với phương pháp tiếp cận một đám mây, một nhà cung cấp. Ngoài ra, lựa chọn đám mây lai còn có thể mang đến cả sự linh hoạt và hiệu quả chi phí.

Kết quả của một nghiên cứu toàn cầu của IBM về chuyển đổi điện toán đám mây cho thấy không có giám đốc cấp cao nào sử dụng đám mây riêng hay đám mây công cộng trong năm 2021, giảm so với mức 6% trong năm 2019. Điều này khiến đám mây lai trở thành hạ tầng CNTT phổ biến nhất tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đề ra kế hoạch tăng đầu tư vào các dịch vụ đám mây lai từ mức 41% ở hiện tại lên mức 43% vào năm 2023. Rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến các tổ chức tại Việt Nam trải qua những cải thiện ở quy mô doanh nghiệp bằng cách khai thác sức mạnh của kiến trúc đám mây lai nhằm số hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện có, nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng tính bền vững cho doanh nghiệp và đẩy lùi rủi ro bảo mật. 

{keywords}

Như vậy, thị trường đám mây lai ở Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng. Vậy IBM có chiến lược gì để đẩy nhanh dịch vụ này tới khách hàng trong thời gian tới?

Sự tăng trưởng vượt bậc trong ứng dụng công nghệ số cùng với tầm nhìn quốc gia về một Việt Nam số đã xác định rõ vai trò của những công nghệ như: Đám mây lai, AI, bảo mật, blockchain, IoT là trở thành công cụ chính hỗ trợ các doanh nghiệp tạo nên lợi thế của riêng mình. IBM đang trên đà phát triển và chứng kiến đám mây lai, AI trở thành cơ hội kinh doanh trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Quan điểm nhất quán của IBM tập trung vào đám mây lai chạy trên nền tảng Red Hat, Big Data và AI. Những nền tảng này hoạt động dựa trên sự bảo mật và tin cậy và được tiếp sức từ hệ sinh thái đối tác hùng mạnh của IBM.

Vào năm 2020, IBM tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong 3 năm tiếp theo nhằm mở rộng hệ sinh thái đám mây của công ty trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc ra mắt Vệ tinh đám mây IBM và hệ thống cấp chứng chỉ đám mây của IBM cho phép chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức và chính phủ/khu vực công trong khu vực.

Tại IBM, chúng tôi tin rằng phương pháp tiếp cận bảo mật trong tương lai sẽ thông qua một nền tảng mở, kết nối, tận dụng các tiêu chuẩn mở, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa để kết nối các công cụ bảo mật và dữ liệu trên khắp các môi trường đám mây. Do đó, IBM đã phát triển các giải pháp giúp các doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu của họ trên nhiều môi trường và tuân thủ theo các quy định về bảo mật, đơn giản hóa trong vận hành. IBM hiện có khoảng 8.000 nhân viên làm việc trong lĩnh vực bảo mật, phục vụ 19.000 khách hàng và sở hữu 10.000 bằng sáng chế.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy văn hóa đổi mới tại Việt Nam thông qua nâng cao kỹ năng, mở rộng và hợp tác với các tổ chức giáo dục hàng đầu tạo nên yếu tố cốt lõi trong chiến lược của công ty. IBM cam kết xây dựng một hành trình tăng trưởng và thúc đẩy số hóa tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Phương Dung