Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ tại Việt Nam diễn ra từ chiều ngày 9/4, chỉ vài giờ sau khi di thể anh được đưa về quê hương. Suốt ngày đầu tiên diễn ra tang lễ tại chùa Ấn Quang (TP.HCM), người dân vây kín hai bên đường từ sáng sớm đến tối khuya.
Bên cạnh hàng trăm người dân đến viếng, còn có một đội quân livestream túc trực tại sự kiện đến nửa đêm. Điều này khiến đám tang trở nên hỗn loạn, người chen lấn, kẻ xô đẩy cùng với đó là những lời kêu gọi bình luận, chia sẻ của các YouTuber.
"Đám tang cũng không tha sao?"
Đội quân livestream tại đám tang Anh Vũ có nhiều thành phần khác nhau. Một số người hiếu kỳ đến quay và phát livestream trên Facebook cá nhân với mục đích "để cho vui". Nhưng cũng có những YouTuber chuyên nghiệp với đầy đủ dụng cụ như gậy selfie, USB phát 4g, micro, tai nghe, pin sạc dự phòng...
Nhóm người này canh từng nghệ sĩ xuất hiện trong đám tang để tụ tập lại phỏng vấn. Tuy nhiên, họ dường như chẳng quan đến chuyện nghệ sĩ thương tiếc Anh Vũ ra sao.
Thay vào đó họ tập trung hỏi những câu về đời sống riêng tư, chuyện cá nhân của nghệ sĩ, thậm chí là những câu hỏi vô thưởng vô phạt theo yêu cầu của người xem.
Phóng viên chỉ đứng một góc khi phỏng vấn Đức Tiến, chiếm phần lớn là đội quân livestream sử dụng điện thoại để ghi hình. |
Sau khi được người nhà nghệ sĩ Anh Vũ mời ra khỏi khu vực tác nghiệp, đội quân livestream này đổ xô sang phỏng vấn một người nước ngoài vô tình có mặt ở chùa Ấn Quang vào thời điểm đó. Nội dung phỏng vấn xoay quanh bộ râu trắng dài khoảng 20 cm của người đàn ông này.
Câu hỏi "Làm thế nào để nuôi được râu dài như ông" khiến những người đang livestream cười ồ giữa không khí đám tang đau buồn. Sau khi trò chuyện xong, nhóm người này còn vui vẻ chụp hình lưu niệm cùng du khách nước ngoài.
Không ít người nhầm lẫn đội quân livestream này với các phóng viên báo đài nên lên tiếng chỉ trích, cho rằng "báo chí hau háu săn tin". Trong khi đó, người nhà nghệ sĩ Anh Vũ cũng tỏ ra không thoải mái khi có quá nhiều người tụ tập ghi hình, cười nói ầm ĩ.
Sau khi được một phóng viên giải thích, cô Ngọc Lan (60 tuổi, Q.10, TP.HCM) bực bội than phiền: "Người ta ra đi rồi cũng không được yên hay sao".
Diễn viên Ngọc Lan bức xúc viết trên trang cá nhân: "Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chiễm chệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu, thì đây hệ quả của việc này là đây. Khi mà trước đây các bạn lên án các phóng viên đi tác nghiệp đám tang thì đây các bạn nhìn xem, trong những tấm hình này có ai là phóng viên không?".
Nụ cười của những người livestream giữa đám tang nghệ sĩ Anh Vũ. |
"Ghi hình mà mặt buồn thì cũng không sao. Ghi hình mà còn loa loa cái miệng các bạn thấy hay hãy đăng ký kênh mình nhé thì đúng là cái họa", độc giả tên Ca Long bình luận.
Một độc giả khác bình luận: "Đúng là côn đồ mạng. Nhà người ta có tang mà cũng không bỏ cái tính hiếu kì, không tha cho nhà người ta được hả côn đồ mạng?".
Cư dân mạng Hưng Thịnh đánh giá: "YouTuber đang vượt quá chuẩn mực của xã hội. Video càng giật gân, càng hở bạo càng nhiều lượt xem".
"YouTuber bát nháo tại đám tang Anh Vũ, top trending ngập đầy Khá Bảnh và làn sóng một sao cho resort nọ sau cuộc đấu khẩu với Khoa Pug, thấy gì sau những hiện tượng này?", một độc giả chia sẻ hình ảnh náo loạn tại đám tang Anh Vũ và đặt câu hỏi.
YouTuber được lợi gì từ đám tang Anh Vũ?
Không quá khó để lý giải chuyện hàng chục, hàng trăm người làm YouTube đổ xô đến đám tang Anh Vũ để ghi nhận. Sáng 10/4, trong top 30 trending YouTube tại Việt Nam có đến 6 video có nội dung về tang lễ của nam diễn viên.
Trong 6 video này không có video nào đến từ các kênh của các cơ quan báo chí. Chỉ có 1 video từ kênh của NSND Hồng Vân, 5 video còn lại đến từ các kênh tổng hợp thông tin.
Đội quân livestream túc trực sáng đêm không thua kém cánh phóng viên. |
Trả lời Zing.vn, YouTuber Mạnh (30 tuổi, Đồng Nai) cho biết anh này đang xây dựng kênh YouTube mới. Để có thể bật kiếm chế độ tiền trên kênh này, anh phải tích lũy đủ 1.000 lượt theo dõi và 4.000 giờ xem.
"Tôi bỏ hết công việc, chạy từ Đồng Nai lên đây từ sáng sớm để quay. Lượt theo dõi thì chưa nhiều nhưng giờ xem thì tăng lên kha khá. Chủ yếu tôi phục vụ bà con hải ngoại hoặc ở tỉnh xa, những người không có điều kiện đến tận nơi xem tang lễ. Sau khi kênh đủ điều kiện bật kiếm tiền, tôi sẽ bán kênh cho người khác", anh này giải thích.
Trước câu hỏi vì sao lại chọn sự kiện tang thương này để livestream "build" kênh, Mạnh thanh minh: "Buổi sáng tôi ra sân bay livestream thì nhiều người xem hơn. Mọi người thích xem mấy vụ sốc, giật gân. Người ta cũng mất rồi, thôi thì xem như làm phước cho mình".
Vừa dứt lời, anh tiếp tục kêu gọi người xem đăng ký kênh của mình.
Người dân đến viếng không có đường đi vào vì các YouTuber liên tục chen lấn. |
Tối khuya cùng ngày, Lê Nhi (21 tuổi, Tiền Giang) vẫn chăm chú phát livestream trên kênh YouTube của công ty mình. Chị này cho biết đang làm việc cho một công ty chuyên bán các khóa học online. Công việc hiện tại là phát triển kênh YouTube này.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi video đám tang có liên quan gì đến lĩnh vực công ty chị đang hoạt động, Nhi tỏ ra lúng túng khi trả lời: "Chắc cũng có liên quan mà. Mấy tin tức này người ra thích xem, xem xong người ta sẽ vô kênh mình xem tiếp các khóa học online".
"Hôm nay tôi trực nhưng vẫn ráng chạy lên một chút để quay. Mình làm được thì mình cứ làm thôi, đâu có mấy dịp có sự kiện hot như vậy", Nhi nói.