- Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi phản ánh: Dân phàn nàn họ luôn bị động trước quy hoạch của nhà nước về đất đai, do hầu như không biết thông tin, không được tham gia ý kiến.

Chia sẻ với nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó đoàn ĐBQH Cao Bằng La Ngọc Thoáng cho hay: Hầu hết người dân không được biết về quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, không được tham vấn hay hỏi ý kiến kể cả khi đất của mình bị thu hồi cho các dự án.

"Do thường xuyên ở thế bị động, người dân hoang mang, không yên tâm sản xuất, thậm chí có người phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương", ông Thoáng nói khi QH tiếp tục thảo luận dự thảo sửa đổi luật Đất đai chiều nay (17/6).

{keywords}
ĐB La Ngọc Thoáng: Quy hoạch không lấy ý kiến nhân dân không có giá trị pháp lý. Ảnh: Minh Thăng 

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) bổ sung: Do chưa có cơ chế cho người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào việc thu hồi đất, quá trình này nhiều khi thiếu minh bạch, không rõ ràng, dẫn đến khiếu kiện nhiều, việc thu hồi đất bị kéo dài, các dự án không được triển khai, đất bị bỏ hoang.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị luật quy định cụ thể việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng đất các cấp. "Luật Quy hoạch đô thị cũng có quy định này, do đó luật Đất đai, có tầm quan trọng và phạm vi tác động xã hội lớn hơn nhiều, rất cần có", ông Lợi nói.

Xem clip phát biểu của ĐB Bùi Sỹ Lợi:


ĐB La Ngọc Thoáng thì thừa nhận dự thảo đã đưa nhiều quy định về trách nhiệm trước dân của các cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng vẫn cần có những ràng buộc pháp lý mạnh mẽ hơn ngay trong luật.

Ông Thoáng đề nghị bổ sung cơ chế kiến nghị và giải quyết kiến nghị của người dân đối với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang có hiệu lực. "Hơn nữa, phải quy định các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không tổ chức lấy ý kiến nhân dân đương nhiên không có giá trị pháp lý", ông Thoáng nói.

Khi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất đã có mà ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của nhân dân thì phải lấy ý kiến của họ; nếu cơ quan có thẩm quyền không công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì người dân trong phạm vi đó không bị hạn chế quyền, ĐB Cao Bằng kiến nghị.

Cũng liên quan đến việc đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ trong đất đai, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ "không thể không băn khoăn" khi đọc điều 12 trong dự thảo về các hành vi bị nghiêm cấm: "Trong số 7 khoản của điều này, có tới 6 điểm về hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân sử dụng đất, chỉ có một điểm duy nhất đối với cơ quan, người có thẩm quyền quản lý đất đai, nhưng chưa cụ thể".

Ông Lợi kiến nghị: Để khắc phục hành vi lạm quyền từ các cá nhân có thẩm quyền, đề nghị bổ sung điều cấm các cơ quan, người có thẩm quyền quản lý đất đai từ chối cung cấp thông tin, cung cấp sai thông tin, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) thì ủng hộ việc công khai, minh bạch thông tin đất đai thông qua hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, "vì việc này có thể hạn chế được hiện tượng 'cò' đất, lạm dụng thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước".

Chung Hoàng - Nguồn clip: VTV