- “Giờ cái gì cũng mất giá. Đồng lương còi chẳng nuôi đủ cả nhà. Vậy là em tranh thủ buôn thêm đồ để cải thiện đời sống”…

Buôn từ nhà đất đến… nội y

Bây giờ, đến các công sở, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh các nhân viên túm năm tụm ba bàn chuyện buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Thôi thì đủ mọi thứ hàng được mang đến để giao dịch ở đây, từ nhà đất, quần áo, thực phẩm… cho đến cả nội y.

Chăn gối cũng trở thành hàng buôn bán tại công sở

Quả quyết với phóng viên rằng “đồng lương chỉ đủ ăn, còn muốn giàu phải đầu tư”, anh Long – nhân viên một công ty tại quận Đống Đa (Hà Nội) lâu nay không bỏ sót một cơ hội kinh doanh thu lời nào, từ thời cao điểm đầu tư chứng khoán, vàng trên tài khoản, rồi vàng vật chất và hiện tại là bất động sản.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tận dụng thời gian ngồi máy tính nhiều ở cơ quan, anh còn mạnh dạn mở thêm một công ty ảo, chuyên mua bán đồ linh kiện máy tính trên mạng.

Nhờ công ty làm ăn phát đạt, anh Long cũng kiếm được kha khá tiền. Ngồi làm việc sếp giao nhưng cứ 5 phút lại thấy anh gọi về cho cậu nhân viên và anh xe ôm ở nhà để chuyển hàng đến địa điểm nào đó: “Mang ngay đến địa chỉ xyz cho khách nhé, nhớ mang theo hóa đơn và lấy tiền luôn, chiều về anh cộng sổ”.

Không bằng lòng với đồng lương công chức, nhiều chị em phụ nữ nghĩ ra nhiều cách kiếm tiền khi ngồi tại công sở.

Chị Loan, chủ một 'cửa hàng' thời trang trên mạng, đồng thời là nhân viên PR một công ty truyền thông than thở “Giờ cái gì cũng mất giá. Đồng lương còi chẳng nuôi đủ cả nhà. Vậy là em tranh thủ buôn thêm đồ để cải thiện đời sống”…

Và chị Loan bắt tay cùng một cô bạn thân khác mở shop online, điều hành công việc ngay từ văn phòng.

“Chỉ cần chụp hình một số mẫu, giới thiệu tới các chị em, ai nào ưng mẫu nào thì đặt hàng, bọn em mới lấy về. Làm như thế này khỏi sợ lỗ, lại chẳng mất tiền thuê địa điểm. Công việc cũng khá nhàn, chỉ giới thiệu cho khách các thông tin về sản phẩm thôi” - chị Loan nói.

Chị cho hay, chỉ cần bỏ vài triệu đăng ký kinh doanh trên một trang web có tiếng nào đó rồi update hàng hóa, giá cả, size, màu sắc lên… Ban đầu thì hàng bán khá chậm, vì khách chưa quen và cũng không tin tưởng lắm vào các cửa hàng trên mạng, nhưng nếu chỉ cần bán hàng uy tín và nhiều hàng chất lượng thì chẳng bao lâu khách sẽ đông vô cùng.

Với khách có nhu cầu lấy đồ trong ngày, chị Loan thường xác nhận rõ kích cỡ, màu sắc, mẫu hàng rồi mang tới công ty.

Sau vài tin nhắn hoặc cuộc gọi liên lạc địa điểm, khách sẽ tới tận nơi lấy hoặc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để nhận đồ.

Từ quần áo, chăn màn, kính mắt, túi xách, giầy dép… cho đến cả nội y hay gạo, thịt… cũng được các chị em mang ra buôn bán trên mạng.

Nhiều chị em sau một thời gian kinh doanh thành đạt còn đầu tư mua máy ảnh xịn về để chụp được sản phẩm đẹp hơn các shop online khác để… cạnh tranh.

Rúc rích tiếng cười chị em thử đồ

Những “công chức” tay ngang buôn bán thường có một ưu thế: tận dụng nguồn khách hàng “tại chỗ” vô cùng dồi dào.

Chị Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng tại Láng Hạ mỗi khi có hàng mới về lại đưa đường link bán hàng của mình lên diễn đàn của công ty và status của Yahoo Messenger cho bạn bè, đồng nghiệp xem.

Cơ quan cũng thành shop ...

Công ty hơn 200 nhân viên, người nào cũng túm lại xem, thử đồ, được cái ai cũng thích thử vì được nhiều người nhận xét có đẹp hay không để quyết định lựa chọn.

Và khách trong chính công ty lại truyền cho bạn bè công ty khác, thế là lượng khách “tại chỗ” của chị Hoàng Anh cứ tăng lên, giúp chị kiếm mỗi ngày hàng trăm nghìn lãi.

Bây giờ, cứ có đợt hàng nào mới về là chị Hoàng Anh lại khệ nệ xách một bao tải to lên công ty.

Các anh chị em đồng nghiệp luôn được “ưu tiên” chọn. Thôi thì loại hàng gì cũng có. Mỗi lần chị Hoàng Anh có mẫu quần áo mới về là nhà vệ sinh của cơ quan rúc rích tiếng cười nói, bình luận của chị em mặc thử đồ. Người mua, kẻ bán xem ra đều rất hỉ hả.

Trong thời gian gần đây, dân công sở 'buôn bán' tại chỗ khá thuận lợi là do nhiều chị em văn phòng bây giờ có mốt lướt web chọn hàng. Chẳng cần xách xe đi đâu, chỉ cần ngồi nhìn mẫu, chọn sao cho đúng màu, đúng size, nhấc điện thoại lên gọi là một lúc sau có hàng mang đến tận nơi.

Nếu chủ cửa hàng nào thoải mái thì người mua không phải trả phí xe ôm. Người nào làm ăn chặt chẽ thì chả thêm một hai chục nghìn tiền xe, nhưng cũng không sao.

Cửa hàng online nào may mắn bán được món hàng mà các chị em ở đó cùng thích thì có khi, ngay lúc vừa giao một sản phẩm đến là nhận được điện thoại gọi mang thêm đến để mọi người còn lại chọn.

Vừa rồi chúng tôi có dịp đến một văn phòng trên phố Xã Đàn vào giờ nghỉ trưa, thấy gần 30 chị em đang xúm lại đặt hộp cơm của một shop trên mạng vì hộp rẻ và đẹp hơn ngoài chợ đã thấy lạ.

Thấy thái độ của PV, chị Minh, nhân viên ở đây vừa cười vừa chỉ vào đống chăn mà mọi người nghỉ trưa đắp ở văn phòng, bảo: “Chăn này không phải là chăn đắp đồng phục ở cơ quan đâu nhé. Là đồ đặt mua trên mạng, một người mua rồi tất cả mua theo. Giờ hộp cơm cũng thế”…

Hải Anh

Chuyện 'quý ông' công sở xả hơi giữa trưa
Giờ nghỉ trưa, các quán nhậu bình dân xung quanh những nơi có công sở thường đông đúc hơn hẳn buổi tối. Một lí do đơn giản, các quý ông cũng tranh thủ “xả hơi” giữa thời gian đi làm.
 
'Tình trưa công sở' dễ lây, khó chữa
Dân văn phòng vẫn thì thầm với nhau “Tình công sở là bệnh dễ lây, dễ nhiễm và khó chữa”…
 
Nghỉ trưa, nữ nhân viên công sở làm gì?
Buổi trưa ở công sở bây giờ không còn cảnh các chị em túm năm tụm ba ngồi buôn chuyện cơ quan, chuyện cơm áo gạo tiền, con cái học hành.