- Dân phản ánh nhà đầu tư thu 70-80% tiền nhưng không hoàn thiện nhà, có DN đúng là khó khăn, nhưng có DN lừa dân, thành phố có phân loại? - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội hỏi.

Tại phiên chất vấn ở HĐND TP Hà Nội sáng nay (5/7), ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế đặt vấn đề: Hiện thành phố đang nổi cộm một việc rất nóng là người dân góp vốn xây dựng các dự án nhà, hy vọng có nhà ở trong tương lai.

{keywords}
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội

Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Phạm Hải

 

"Các chủ đầu tư, có người khó khăn thực sự về tài chính, cần được tạo điều kiện giãn hoãn. Nhưng thành phố có nắm được là các DN nằm trong diện giãn hoãn đó thực chất đã thu 70-80% tiền của các hộ dân nhưng không hoàn thiện, thậm chí có người 'xù', trốn, ảnh hướng lớn đến an ninh và để lại hậu quả xã hội tới đây", ông Nam nói.

Thành phố có nắm được, trách nhiệm của thành phố đến đâu trong việc phân loại các chủ đầu tư thực sự có năng lực, nòng cốt để thành phố có bộ mặt đô thị tốt đẹp, giúp người dân có nhà, ông Nam đặt câu hỏi.

"Thực tế đang có nhiều chủ đầu tư bộc lộ dần là gần như 'tay không bắt giặc', chiếm dụng tiền ngân hàng và tiền dân, lấy diện tích đất lớn, đẹp, vị trí tốt. Nếu không giải quyết tốt, dân có tiền mua nhà mà vẫn không có nhà để ở, còn thành phố thất thu tiền sử dụng đất", Trưởng ban Pháp chế nêu.

{keywords}
Các dự án của Vĩnh Hưng, Vina Megastar đang làm khách hàng điêu đứng vì nguy cơ mất tiền.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Huy Tưởng trả lời ngắn gọn: Theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, những doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, nếu thời điểm này đang thua lỗ thì có quyền được gia hạn.

"Thực ra rất đơn giản, dễ vận dụng: trên sổ sách báo cáo lỗ thì không có gì để nộp, do thị trường bất động sản trầm lắng", ông Tưởng nói. "Kể cả những nơi báo cáo lãi cũng không có khả năng nộp, họ chỉ báo cáo lãi để giữ thương hiệu, uy tín để tiếp tục làm ăn".

Không hài lòng với câu trả lời này, ông Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn: Không thể nói đơn giản là căn cứ vào kê khai của DN để giãn hoãn cho họ.

"Thực tế họ đã bán 70-80%, dân đã nộp tiền, trách nhiệm xã hội của thành phố đối với dân ra sao, đối với các DN 'chụp giật' như thế nào?", ông Nam cảnh báo hiện tượng tranh chấp giữa người dân và nhà đầu tư đang gia tăng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng giải trình: Thành phố đã yêu cầu cục thuế chủ trì việc xem xét giãn hoãn cho các DN.

"Nhưng tháo gỡ khó khăn cho DN thì phải kịp thời, nên chỉ đủ thời gian kiểm tra trên báo cáo tài chính của DN. Sau này sẽ có hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra các báo cáo này", ông Tưởng nói.

Phó Chủ tịch đề xuất: "Nếu anh Nam, các ĐB HĐND qua tiếp xúc cử tri, có phát hiện đơn vị nào mà dân nêu là đã nộp gần hết tiền mà DN chưa nộp cho thành phố, thì cung cấp thông tin để UBND chỉ đạo cơ quan thuế rà soát trực tiếp".

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam không tiếp tục đặt lại câu hỏi.

Chung Hoàng