Những ngày qua, mạng xã hội trong nước xuất hiện nhiều hình ảnh, bài viết về thông tin lộ video nhạy cảm của nữ DJ người Ukraine - Alexandra Rud.

Một số tài khoản còn chụp lại trang cá nhân của nữ DJ này và khẳng định cô gái trong video là Alexa. Các bài đăng thu hút nhiều bình luận và chia sẻ từ dân mạng với mong muốn nhận được video nóng của cô gái.

Tấn công qua mạng xuất hiện ngày càng nhiều

Ngày 15/1, Alexandra Rud lên tiếng phủ nhận các tin đồn. “1 lần nữa tôi khẳng định, đây không phải là tôi. Nếu có clip các bạn đăng luôn đi, không cần inbox, chấm để gửi cho mọi người. Alexa sống ở Việt Nam 2 năm rồi, mọi thứ đều rất tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mọi thứ tồi tệ như vậy. Tôi có công việc, đủ để lo cho bản thân tôi và gia đình”.

Facebook hiện tại được biết đến như một nền tảng đầy rẫy tin giả. Sự việc của Alexandra Rud cho thấy dân mạng Việt Nam dễ dàng bị tin giả "dắt mũi" và tấn công người khác.

Dan mang Viet de bi tin gia 'dat mui' va tan cong nguoi khac hinh anh 1 b8efd736a841501f0950.jpg

Alexandra Rub lên tiếng trước tin đồn lộ video nhạy cảm.

Những hành động trên được gọi là Cyberbullying (tấn công bắt nạt qua mạng). Phương pháp tấn công chủ yếu thể hiện qua bình luận thóa mạ cá nhân.

Đây là hiện tượng không mới tại Việt Nam và trên thế giới. Ngày 16/10/2019, hot girl Châu Bùi đăng tải video với tựa đề "Dealing with cyberbullying" (Đối phó với nạn bắt nạt qua mạng).

Mở đầu video, hot girl sinh năm 1997 nhắc tới câu chuyện Sulli qua đời tại nhà riêng do tự tử và cho biết cô cũng từng rơi vào trầm cảm, bế tắc vì những câu chữ, dòng bình luận tưởng như vô hại trên Internet.

Tiếp theo đó, 9X thừa nhận khoảng thời gian đen tối nhất của cô là khi chia tay Decao (Cao Minh Thắng). Lúc ấy, cô bị dân mạng thêu dệt nhiều câu chuyện, tin đồn vô căn cứ.

Ngoài ra, dân mạng Việt còn được biết đến với những thói quen "làm loạn", chửi bới và bình luận quá khích tại trang cá nhân các trọng tài, cầu thủ đội bạn sau trận đấu.

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 tối 5/9/2019, Thitipan Puangchan có pha vào bóng thô bạo với đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải ở phút thứ 51.

Sau trận đấu, Thitipan Puangchan bị dân mạng truy lùng trang cá nhân. Dù đã khóa tất cả tương tác như like, comment trên Facebook, tiền vệ người Thái vẫn bị cổ động viên Việt "tấn công" bằng những lời chỉ trích, chửi bới trên Instagram.

Ngày 27/11, Changsuek - fanpage chính thức của bóng đá Thái Lan - đã chặn IP đến từ Việt Nam. Các tài khoản Facebook ở Việt Nam hiện không thể tìm kiếm và truy cập được trang này.

Phía Thái Lan không đưa ra lý do chặn IP đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng động thái này xuất phát từ thói quen "làm loạn", chửi bới và bình luận quá khích tại trang cá nhân các cầu thủ Thái Lan của một bộ phận người hâm mộ Việt Nam.

Mức phạt cho các hành động Cyberbullying

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, nếu người quấy rối thực hiện những hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Dan mang Viet de bi tin gia 'dat mui' va tan cong nguoi khac hinh anh 2 c2_1.jpg

Châu Bùi thừa nhận mình từng là nạn nhân của "bắt nạt trên mạng" và rơi vào bế tắc, tuyệt vọng.

Nếu hành vi quấy rối gây xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm nhục người khác. Đối với Tội vu khống được quy định tại điều 156 cũng tương tự như vậy.

Đặc biệt, hình phạt của 2 tội trên sẽ tăng lên 1 bậc (đối với tội làm nhục người khác là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và đối với tội vu khống là 1 năm đến 3 năm) nếu kẻ phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

Deepfake - mối lo ngại tiếp theo của Facebook

Bên cạnh Cyberbullying, tin giả, deepfake được xem là vấn nạn tiếp theo của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tháng 12/2017, deepfake trở thành danh từ khi người dùng có tên "deepfakes" công bố một loạt video khiêu dâm trên diễn đàn Reddit.

Người dùng này đã sử dụng AI để ghép mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot vào cơ thể của những diễn viên khiêu dâm. Những video với khuôn mặt ghép rất giống này lập tức gây nên làn sóng phản đối.

Dan mang Viet de bi tin gia 'dat mui' va tan cong nguoi khac hinh anh 3 u.jpg

Deepfake được xem là mối lo ngại của Facebook trong tương lai. Ảnh: Partkito.

Ngày 9/6, một đoạn video với hình ảnh giả mạo của Mark Zuckerberg, CEO Facebook được đăng tải trên Instagram. Trong video, hình ảnh Mark Zuckerberg đang ngồi ở phòng làm việc và nói về sức mạnh tàn bạo của Facebook.

Video có phần mô tả với nội dung "hãy tưởng tượng điều này: Một người đàn ông với quyền kiểm soát dữ liệu đánh cắp được của hàng tỷ người dùng. Tất cả bí mật, cuộc sống, tương lai của họ", "Mark Zuckerberg giả" nói những điều Mark thật sẽ không bao giờ nói trong đoạn video.

Trong tương lai, deepfake chắc chắn trở nên cá nhân hóa, nhắm vào đối tượng cụ thể nào đó và cũng không chỉ dừng lại ở hình thức video. Các câu chuyện giả mạo sẽ được sản xuất nhằm đánh lạc hướng ngày càng nhiều người.

Khi tin giả được cá nhân hóa cao, sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều để theo dõi và ngăn chặn. Đây là lúc nó trở nên đặc biệt đáng sợ. Lúc đó, khả năng tư duy phản biện của cá nhân sẽ là vấn đề lớn trong thời kỳ deepfake phát triển.