Tháng 3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án kè âu tránh trú bão tàu thuyền sông Lý, tổng mức đầu tư là 119,995 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2016-2020.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phần còn lại do ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
5 năm qua người dân mòn mỏi chờ con đường từ dự án |
Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận ủy thác quản lý dự án.
Dự án cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên 2 tuyến đê mặt vẫn còn nham nhở, khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Bà Nguyễn Thị Tám (thôn Trung, xã Quảng Thạch) cho biết, dự án trên đã triển khai được 5 năm nhưng không thấy đơn vị thi công làm đường cho dân đi.
Nhiều hạng mục của dự án vẫn còn dang dở. |
Theo bà Tám, trước đây người dân đi lại trên con đường đê bằng cát. Khi đơn vị thi công làm thì đã múc hết cát đi rồi chở đất về lấp lại, từ đó đến nay bỏ không, khiến mùa nắng bụi bặm, mưa lầy lội, trơn trượt, nhiều cháu học sinh đi xe đạp, máy điện bị ngã trầy xước.
Không những thế, khi thi công, xe chở vật liệu của công trình đã cày nát mặt đường để lại toàn tuyến là những ổ trâu, ổ voi…
Dự án dang dở, xã lo tìm nguồn khắc phục
Ông Nguyễn Đức Tại, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết, dự án nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nghề cá khu vực vùng ven biển huyện Quảng Xương và vùng lân cận neo đậu tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của ngư dân khi có gió bão, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Mặt đường đê nham nhở |
Những tấm bê tông kè mái chòi đá 1x2 |
Phần kè mái bị nước đánh tụt chân |
Các hạng mục chính được đầu tư gồm: luồng tàu và khu neo đậu có chiều dài L = 2.300m; kè khu neo đậu có tổng chiều dài L = 2.477m; hệ thống báo hiệu được bố trí 12 biển báo hiệu bằng thép để phân khi neo đậu; phao báo hiệu đầu luồng được bố trí 2 phao báo hiệu bằng thép để dẫn tàu vào luồng; hạng mục gia cố mặt đê có chiều dài 1.933m, được kết cấu bằng bê tông M300 dày 20cm; công trình hạ tầng gồm khu quản lý điều hành, cấp điện, hệ thống cấp nước sạch, thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Sau hơn 5 năm thực hiện dự án, kể cả thời gian gia hạn, nhưng đến nay nhiều hạng mục của dự án vẫn còn đang dang dở.
Mùa mưa báo nơi đây chứa tới 500 - 600 tàu thuyền neo đậu |
Ngày 14/9/2020, UBND xã nhận được Văn bản số 12725/UBND-NN của UBND tỉnh về việc xác định điểm dừng kỹ thuật dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý, huyện Quảng Xương, dừng thi công các hạng mục gia cố mặt đê, khu quản lý điều hành, hệ thống cấp điện, chiếu sáng và cây xanh, hệ thống thông tin.
Theo ông Tại, nguyên nhân là do thiếu vốn. Việc dự án thực hiện dang dở đang gây khó khăn cho nhiều ngư dân trong xã và các vùng lân cận.
Cụ thể, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý mỗi ngày có khoảng 50 đến 60 tàu thuyền ra vào, với công suất khác nhau, thời điểm xảy ra mưa, bão có tới 500 đến 600 tàu thuyền về tránh trú.
Trong quá trình thi công các hạng mục công trình của dự án xe chở vật liệu đã làm mặt đê bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân địa phương.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến huyện, nếu được đồng ý thì địa phương sẽ tự bỏ kinh phí sửa chữa mặt đê để tạo thuận lợi cho người dân đi lại”, ông Tại cho biết.
Lê Dương
Đê 50 tỷ ở Thanh Hóa đang bảo hành đã xuống cấp
Mặc dù đang trong thời gian bảo hành, song tuyến đê hữu sông Hoàng từ xã Dân Lý đến Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã sụt lún, nứt, gãy nghiêm trọng.