Hình ảnh đông đúc xếp hàng dài trước cửa hàng trưng bày sản phẩm mới của hãng điện thoại Trung Quốc Huawei tại thủ đô Yangon, Myanmar khiến người ta liên tưởng đến cảnh đám đông điên cuồng trước các cửa hàng Apple ở Bắc Kinh để chờ mua phiên bản iPhone mới nhất.

Thậm chí, người Myanmar còn có vẻ điên cuồng và phấn khích hơn người Trung Quốc chờ mua iPhone.

Phòng trưng bày và bán sản phẩm điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ thông tin của hãng viễn thông Huawei mở cửa vào lúc 10h sáng, nhưng người mua hàng đã đứng chật kín ở ngoài cửa hàng từ lúc 7h. Đến giờ mở cửa, đám dông tràn vào cửa hàng như nước lũ.

Hàng trăm người, từ đàn ông, phụ nữ, từ trẻ tới người già, sinh viên, thậm chí cả tu sĩ, đang hò hét hỏi giá các sản phẩm mà họ yêu thích. Rõ ràng, các thương hiệu Trung Quốc với mẫu mã hợp thời trang và giá cả phải chăng đang có một thị trường lớn ở Myanmar.

{keywords} 

Chiến lược giảm sản xuất để tăng nhu cầu của Apple dường như không có giá trị ở đây bởi người dân Myanmar thích những sản phẩm có giá rẻ và dịch vụ tốt.

Huawei đã mất 10 năm để trở thành thương hiệu điện thoại phổ biến nhất ở Myanmar. Nhưng tại một đất nước với 60 triệu dân, trong đó chỉ có dưới 10% dân số sử dụng điện thoại di động thì còn rất nhiều cơ hội cho các công ty viễn thông nước ngoài.

Ngược lại với sự thành công của Huawei, một hình ảnh khác về Trung Quốc tại đất nước này là một số dự án đầu tư của Trung Quốc đã bị đình chỉ. Các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đã cảnh báo về mối đe dọa môi trường do các dự án đầu tư của Trung Quốc gây ra.

Myanmar đang sở hữu những cơ hội chưa từng có khi đất nước này có kế hoạch phát triển đầy tham vọng sau nhiều thập kỉ bị phương Tây trừng phạt. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện giờ, thời cơ và thách thức là ngang nhau khi xã hội ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Nhị Anh