"Nói trên hội trường chỉ có 7 phút nên tôi không đủ thời gian nhắc lại những điều tốt, chỉ đủ để nêu lên những tồn tại mà người dân muốn Chính phủ lắng nghe để tốt hơn cho Chính phủ", ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ trước phiên chất của Quốc hội tuần này.


Từng làm "nóng" nghị trường với những chất vấn chạm vào các chủ đề được xem là nhạy cảm, ông nghị Dương Trung Quốc cho hay, hỏi về những tồn tại, hạn chế không phải do cái nhìn thiên lệch hay ý định thiên lệch mà đơn giản chỉ vì không có đủ thời gian. "Nêu lên những vấn đề đang còn tồn tại là mình muốn tốt hơn cho Chính phủ", ông Quốc nói.


Còn nhớ tại kỳ họp thứ hai, Thủ tướng chỉ kịp trình bày xong báo cáo giải quyết công việc là... hết giờ. Nhưng tại hai kỳ sau đó, người đứng đầu Chính phủ đã rút ngắn thời gian đọc báo cáo, dành thời gian trao đổi trực tiếp trên nghị trường.


Theo nghị trình, Thủ tướng luôn là người "chốt" lại phiên chất vấn ở mỗi kỳ họp cuối năm, với kỳ vọng sẽ giải tỏa những cấn cớ còn lại từ phiên chất vấn các bộ trưởng. Như giải thích của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, trong phần trả lời của từng bộ trưởng, nếu còn vấn đề gì chưa được làm rõ, thì Thủ tướng sẽ giải đáp và tháo gỡ.




Gửi Thủ tướng 3 câu hỏi, ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho hay "nếu giải trình văn bản của Thủ tướng thuyết phục, thỏa đáng, chắc tôi không cần chất vấn nữa. Nhưng nếu thấy chỗ nào chưa thuyết phục cũng cần phải hỏi vì hỏi như vậy là trách nhiệm của đại biểu, đồng thời tạo điều kiện để Thủ tướng giải đáp cho nhân dân".


ĐB Nguyễn Đình Xuân thì nói rằng, nếu câu hỏi của ông về thủy điện trên sông Mekong không được bộ trưởng trả lời thỏa đáng thì mới chất vấn Thủ tướng.


"Tôi thì thường không gửi trước câu hỏi cho Thủ tướng mà theo dõi diễn biến ở nghị trường và đặt câu hỏi dựa theo diễn biến và cảm xúc khi đó", ông Dương Trung Quốc chia sẻ.


Với ông Quốc, việc Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội giống như một phép thử đánh giá năng lực điều hành, nắm bắt vấn đề và thể hiện cách ứng xử.



"Họ là những chính khách chứ không phải nhà chuyên môn hay chuyên gia. Nên thông điệp không chỉ nằm trong câu trả lời mà còn trong ứng xử của các vị. Điều này mang lại điểm cho các vị", theo ĐB Dương Trung Quốc.


Chuẩn bị trước một câu hỏi gửi Thủ tướng về lộn xộn quy hoạch, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói, ông hy vọng tại phiên chất vấn sắp tới, Thủ tướng sẽ thể hiện được vai trò "nhạc trưởng".


"Nhạc trưởng chỉ huy và điều phối, kết dính cả dàn nhạc. Nên nếu dàn nhạc chơi bị lỗi, nhạc trưởng phải chỉ ra được nhạc công nào chơi kém", ông Tiến ví von.


Nhận xét mấy phiên chất vấn trước "vai trò điều phối của nhạc trưởng chưa rõ lắm", nên ông Tiến kỳ vọng nhiều hơn vào phiên chất vấn cuối cùng của Thủ tướng trong nhiệm kỳ này, đặc biệt việc phân định trách nhiệm người đứng đầu. Vẫn biết "cơ chế ở ta" có nhiều ràng buộc, nhìn nhận trách nhiệm phải biện chứng, nhưng nếu thành viên nào của Chính phủ còn e dè khi nói về trách nhiệm cá nhân thì người dân sẽ cảm thấy thành viên đó chưa tự tin, chưa đủ bản lĩnh, và vì thế vị đó sẽ chưa chiếm được tình cảm, niềm tin của người dân.


Vẫn biết mọi vấn đề như Vinashin, khai thác bô-xít, thủy điện xả lũ... không dễ mà nói rõ ngay được chỉ trong vỏn vẹn hai tiếng Thủ tướng đăng đàn trực tiếp. Bởi từng vấn đề cụ thể đều đã được hỏi trong mỗi buổi chất vấn của từng bộ trưởng. Nhưng, điều mà ĐBQH trông đợi ở phiên chất vấn của Thủ tướng chính là cách thể hiện vai trò "nhạc trưởng", bản lĩnh ứng phó và không né tránh với những câu hỏi (và đôi khi là cả thái độ của người hỏi) quyết liệt, thẳng thắn và là thái độ cầu thị, tâm huyết.


Chất vấn cũng là "kênh" để Thủ tướng đo lường tâm tư của dân chúng, thông qua người đại diện là đại biểu Quốc hội, chứ không cần phải qua bất kỳ kênh trung gian là các bản báo cáo hay hội nghị, hội thảo. Lời hứa của Thủ tướng trước cử tri được xem như một sự ràng buộc trách nhiệm chính trị.


Ngay ĐB Nguyễn Minh Thuyết cũng hoan nghênh thái độ làm việc nghiêm túc của Thủ tướng trong vụ việc PCI, bởi, ngay sau khi ĐB Thuyết chất vấn về vụ PCI, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét vụ việc.


Nhạc trưởng giỏi không chỉ cố gắng một mình mà phải làm sao để các nhạc công ai cũng chơi tốt.


Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp diễn ra trong 2 ngày rưỡi, bắt đầu từ sáng nay, 22/11.
Thủ tướng sẽ là người đăng đàn cuối cùng "chốt" phiên chất vấn. 4 bộ trưởng đăng đàn lần này lần lượt là Bộ trưởng Công thương, Y tế, Tài chính và Giao thông - Vận tải.
 


  • Lê Nhung