Ngay sau khi gây náo loạn bởi tuyên bố sẽ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, đảo Síp lại một lần nữa gây chấn động thế giới khi bác bỏ việc đánh thuế tiền gửi sau phiên họp quốc hội vừa qua.

Đa số nghị sĩ Síp đã phản đối đề xuất đánh thuế tiền gửi ngân hàng như một điều kiện của gói cứu trợ châu Âu. Động thái này đã đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm giải cứu nạn nhân mới nhất của khủng hoảng nợ khu vực đồng euro rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kết quả bỏ phiếu của quốc hội Síp đã khiến các đối tác Châu Âu nổi giận và làm tăng lo ngại về việc khủng hoảng tiếp tục lây lan.


Người biểu tình bên ngoài quốc hội giận dữ cho rằng "Họ đang uống máu chúng tôi", đảng cầm quyền đã bỏ phiếu trắng và 36 nghị sĩ khác bỏ phiếu nhất trí bác bỏ dự luật, đưa đảo quốc Địa Trung Hải, một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu đến bờ vực khủng hoảng tài chính. 

Trước đó đảo Síp đã trở thành tâm điểm của thị trường thế giới khi tuyên bố sẽ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, sự việc này xảy ra ngay sau khi nước này trở thành quốc gia thứ 5 phải nhận gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Những người chịu ảnh hưởng từ kế hoạch của Síp là khách hàng tại tất cả nhà băng nước này. Trong số hơn 68 tỷ euro đang gửi tại Síp, tiền từ nước ngoài chiếm tới 40%, và phần lớn là người Nga. 

Người dân nước này đã ồ ạt đi rút tiền khỏi các ngân hàng, đẩy nhiều ngân hàng nước này rơi vào trạng thái gần như phá sản. Nếu các chủ nợ cũng áp dụng biện pháp tương tự với Tây Ban Nha hoặc Italia, hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn khi người gửi tiền ở các nước khác có động thái tương tự và khiến thị trường tổn thương.

Các ông trùm giàu có của Nga thì giận giữ trước quyết định đánh thuế tiền gửi của CH Síp bởi lượng tiền gửi nước ngoài tại đảo Síp phần lớn thuộc sở hữu của người Nga. Theo ước tính của Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi tổng cộng 19 tỷ USD tại các ngân hàng Síp.

Người dân đã đổ xô đi rút rút hết tiền mặt tại các máy rút tiền khiến các máy đều cạn kiệt tiền mặt, mọi giao dịch điện tử đều phải tạm ngừng. “Tôi cảm thấy rất bực mình, điều này thật phi lý vì khi bạn có thu nhập, bạn đã phải đóng thuế rồi” - một người dân Thủ đô Nicosia nói. 

Nhiều ngân hàng buộc phải giới hạn mức rút tiền ở 400 Euro và nhiều máy ATM không còn tiền để phục vụ và một số ngân hàng phải đóng cửa vào các ngày 19 và 20/3 để chờ quyết định của Quốc hội.

Síp là trường hợp đặc biệt do hệ thống ngân hàng được bơm đầy bởi tiền gửi, chứ không phải trái phiếu. Theo giới phân tích và các nhà chính trị gia, mức thuế này, nếu không châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu, thì cũng gây hiệu ứng rút tiền tương tự trên khắp châu Âu.

Quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm này đã khiến thị trường Châu Âu và thế giới chao đảo, đe dọa đẩy khu vực trở lại khủng hoảng.

Sáng 19/8 đồng Euro giảm 0,8% xuống còn 1,296USD/Euro. Chứng khoán toàn cầu cũng có một phiên giao dịch ảm đạm khi chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu giảm 0,8% so với mốc cao nhất đạt được vào tháng 6/2008. Chỉ số chứng khoán châu Âu Stoxx Europe 600 giảm 0,6% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 tương lai của Mỹ giảm 0,8%.

Để có được số tiền cứu trợ 10 tỷ euro từ các nhà tài trợ, Síp phải chấp nhận đánh thuế lên tới 9,9% đối với các khoản tiền gửi ngân hàng. Theo đề xuất của chính phủ, các khoản tiền gửi vượt quá 100.000 euro sẽ bị đánh thuế 9,9%, trong khi các khoản tiền gửi thấp hơn sẽ bị đánh thuế 6,7%. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng bị đánh thuế.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội. Ngay sau đó, chính phủ đã đề xuất kế hoạch mới, theo đó, mức thuế đối với khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ giảm 6,7% xuống còn 3%. Trong khi đó, mức thuế đối với khoản tiền gửi trên 100.000 euro sẽ tăng từ 9,9% lên 12,5%. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades đã kêu gọi người dân ủng hộ dự luật này: “Chúng ta đang ở bên bờ vực phá sản. Dù đây chắc chắn không phải thứ chúng ta muốn, nhưng nó là giải pháp ít đau đớn nhất để phục hồi nền kinh tế”.
Trong khi vẫn chưa biết điều kiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của EU và IMF nhằm giúp đảo Síp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ có thực sự phát huy hiệu quả hay không thì nó đã gây ra tâm lý hoang mang cho người dân nước này. 

Theo Jacob Kirkegaard - chuyên gia phân tích tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Síp sẽ lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi nhiều người Nga phải chịu tác động từ thuế này.

Nếu đảo Síp vỡ nợ có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của các nhà đầu tư đang trở lại eurozone sau một thời gian dài và quyết định đánh thuế tiền gửi ngân hàng có thể trở thành một tiền lệ xấu với người châu Âu khi nhiều người sẽ tìm cách giữ tiền dưới dạng các loại tài sản khác như vàng hoặc trữ tiền mặt, thay vì gửi ngân hàng. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn giá vàng sẽ lại biến động mạnh và cuộc khủng hoảng Châu Âu vốn đã kéo dài nay sẽ lại bị đẩy tới một hố sâu mới.

Nhị Anh (tổng hợp)