Theo các số liệu thống kê xã hội học gần đây, đàn ông châu Âu hiện đang thích làm những gì mà quan niệm truyền thống coi là trách nhiệm của phụ nữ. Một cuộc khảo sát được tiến hành ở Anh cho thấy, 66% đàn ông làm việc nhà tám giờ trở lên/một tuần, trong khi con số này ở phụ nữ chỉ 62%.
Ngày càng nhiều đàn ông tin rằng họ làm việc nhà giỏi hơn phụ nữ. Vì đàn ông khỏe và nhanh nhẹn hơn, họ lau nhà nhanh hơn, điều khiển máy giặt, máy hút bụi chuẩn xác hơn và phơi quần áo cũng chóng vánh hơn. Đàn ông còn tỏ ra giàu sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực nên họ làm các món ăn ngon và lạ miệng hơn. Đàn ông ít khi làm một món gì hệt như hôm trước, mà thường “phá cách”. Xu hướng “thích của lạ” của giống đực không bị lên án mà còn được chị em đánh giá cao khi đàn ông vào bếp. Nhiều người vợ phải ngạc nhiên vì đó là những món ăn mà bà và mẹ họ chưa từng dạy bao giờ.
Đáng buồn là đàn ông châu Á làm việc gia đình thua xa các “anh Tây”. Theo truyền thống Á Đông, những việc như lau nhà, giặt ủi quần áo, nấu nướng, rửa bát, thậm chí kiểm tra bài vở của con trong hầu hết các gia đình đều do phụ nữ đảm nhiệm. Chỉ có 1/4 đàn ông châu Á có tham gia vào việc bếp núc.
Theo truyền thống, người ta chia ra làm hai nhóm việc gia đình: việc đàn bà và việc đàn ông. Đàn bà hầu như làm hết các việc nấu nướng, rửa bát, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa. Đàn ông thiên về kỹ thuật, chuyên sửa chữa điện nước, nhà cửa… Tuy nhiên, trong xu hướng hiện đại, những “đối tượng” này giờ đã… ít hỏng hơn, và nếu cần sửa chữa, phải gọi thợ chuyên môn chứ không phải ai cũng mò mẫm như ngày trước được.
Tóm lại, khối lượng “việc đàn ông” trong gia đình ngày càng ít đi, thậm chí chỉ còn đơn giản là lấy điện thoại gọi thợ đến làm. Trong khi đó, “việc đàn bà” lại tăng lên, do đời sống càng cao thì nhu cầu trong sinh hoạt ngày càng phức tạp. Nấu nướng nhiều món ăn hơn, nhà rộng và nhiều tầng hơn nên lau dọn vất vả hơn.
Ảnh minh họa |
Trong các lớp học mẫu giáo, khi cô giáo đưa ra khoảng 20 bức tranh vẽ các đồ dùng gia đình, yêu cầu học sinh chọn ra đâu là đồ dùng của mẹ, đâu là đồ dùng của cha thì các thứ như xoong nồi, chổi lau nhà, bàn là, dao thớt… là của mẹ; ti vi, radio, đàn guitar, cần câu cá… là của cha. Lạ lùng là cả các cháu chỉ sống với mẹ, không có cha, cũng chọn như vậy. Thật đáng buồn khi những quan niệm về vai trò cha và mẹ trong gia đình vẫn ăn sâu vào đầu óc trẻ thơ như vậy và nền giáo dục của chúng ta dường như cứ đi theo hướng đó. Vì thế, có lẽ còn lâu lắm đàn ông châu Á mới theo kịp châu Âu về lĩnh vực này.
Hầu hết chúng ta đã không nhận ra, vợ chồng chia sẻ việc nhà với nhau không chỉ để cho người vợ đỡ vất vả mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Theo nhà nghiên cứu tâm lý gia đình người Pháp, Louise Colley: “Vợ chồng cùng làm việc nhà có những cái lợi không thể phủ nhận được. Nó không chỉ mang lại niềm vui mà còn tăng cường đời sống tình dục vợ chồng”. Đó là kết quả một cuộc thăm dò với hơn 7.000 đôi vợ chồng trẻ. Những người trả lời phỏng vấn cho biết, nhà cửa sạch sẽ gọn gàng khiến phụ nữ có hứng thú ái ân hơn, nhưng với điều kiện việc làm sạch nhà cửa phải do cả hai cùng tham gia và cùng hưởng thụ kết quả công việc.
Điều thú vị nữa là đàn ông thừa nhận khi cùng nhau lao động, họ vui tính và hay bông đùa hơn, sự thân mật khiến tình cảm vợ chồng được hâm nóng hơn. Khảo sát còn cho thấy, thời gian làm việc nhà cùng nhau tăng lên thì thời gian âu yếm trên giường cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Công thức ma thuật này cải thiện rõ rệt mối quan hệ giữa họ. Nếu trước kia nhiều đàn ông “nộp thuế” càng nhanh càng tốt thì từ ngày chia sẻ việc nhà với nhau, họ hay vui đùa trò chuyện trên giường khiến chất lượng ái ân được nâng cấp hẳn.
Tính gia trưởng cố hữu của đàn ông cũng biến mất khi họ tham gia việc nhà. Các nghiên cứu rút ra, tất cả các đôi vợ chồng sống với nhau hạnh phúc hầu như không có đôi nào khoán trắng việc nhà cho một người. Nhiều đôi đánh giá sự chia sẻ việc nhà có tác dụng tốt với hạnh phúc hơn cả sự thịnh vượng về vật chất. Trả lời câu hỏi: “Bạn có hài lòng với cuộc hôn nhân của mình?”. Tất cả những đôi không hài lòng đều chỉ có một người làm mọi việc trong nhà. Hóa ra, mức độ hài lòng với cuộc sống gia đình phụ thuộc vào sự chia sẻ trách nhiệm cùng nhau. Càng công bằng thì cả hai càng thấy hạnh phúc hơn và đánh giá cuộc hôn nhân của họ thành công hơn.
Hiện nay ở châu Âu, người ta không xem đàn ông làm nội trợ là “bất tài”, là “quẩn quanh xó bếp” mà coi đó là người đàn ông hiện đại, biết làm các món ăn ngon và biết thưởng thức cùng bạn bè. Nhiều gia đình trẻ thích tiếp bạn thân trong bếp để vừa tự làm món ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Cảnh chồng ngồi ngất ngưởng tiếp khách đợi vợ bưng món ăn lên mời các ngài xơi đã lỗi thời, không được giới trẻ chuộng nữa.
(Theo Trịnh Trung Hòa - PhunuTP Ho Chi Minh )