Tại ấp 6, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), mô hình “Chi hội Nông dân ấp tích cực vận động hội viên nông dân xây dựng đường giao thông nông thôn” đã trở thành mô hình tiêu biểu “Dân vận khéo” của tỉnh. Từ một ấp với các tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy” giờ đây trở thành tuyến đường sạch, đẹp, kiểu mẫu, điển hình của phong trào “xã hội hóa giao thông nông thôn”. Trong đó có nhiều tuyến “sáng - xanh - sạch - đẹp” do các đoàn thể chính trị - xã hội tự quản.

{keywords}
Dân vận khéo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ảnh minh họa

Tại Đồng Nai, theo thống kê giai đoạn 2009-2015, toàn tỉnh đã có 5.022 mô hình với 8.904 cá nhân thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; vận động hơn 156 tỷ đồng, xây dựng 5.411 căn nhà tình thương, xóa nhà dột nát cho người nghèo; huy động hàng chục ngàn ngày công với tổng giá trị gần 239 tỷ đồng.

 Giai đoạn 2015-2019 chưa có thống kê nhưng đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có hàng ngàn mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện với tổng nguồn lực huy động hàng trăm tỷ đồng, xây dựng xong nhà đại đoàn kết, xóa hoàn toàn nhà dột nát cho người nghèo; vận động hàng trăm tỷ đồng cho công cuộc xóa nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 0,9% vào đầu năm 2019.

Cũng từ những mô hình “Dân vận khéo”, lợi ích của người dân và cộng đồng xã hội được nâng lên. Điều này thể hiện rõ trong mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh luôn cao hơn so với bình quân cả nước.

Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành xây nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo. Đồng thời là tỉnh đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; là mô hình kiểu mẫu trong đoàn kết quân - dân, đoàn kết lương - giáo, huy động sức mạnh toàn dân vào mục tiêu phát triển.

Bài: Nguyễn Kiên Trung - nhóm PV
Ảnh: Phạm Văn Bắc - Nhóm PV