Một cuộc biểu tình quy mô khổng lồ dự kiến sẽ diễn ra ở Thủ đô Cairo trong hôm nay (1/2) khi những người tuần hành gia tăng nỗ lực để lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.
Các nhà tổ chức tuyên bố họ hy vọng sẽ có khoảng một triệu người đổ ra đường phố trong sự kiện được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Một cuộc biểu tình khác cũng được lên kế hoạch tại Alexandria.
Cho tới nay, các nhà bình luận vẫn đang nỗ lực tìm kiếm lý do thực sự đứng sau các cuộc biểu tình tại Ai Cập và những nơi khác. Không đơn giản là sự bất ngờ bắt nguồn từ kỳ vọng cải cách. Vấn đề chính được cho là giá lương thực. Có hai thách thức với chính phủ Ai Cập: Đầu tiên, dân số gia tăng không ngừng và có thể nhanh chóng vượt qua ngưỡng 80 triệu người; thứ hai, tỉ lệ sản xuất lương thực theo đầu người ngày một giảm sút.
Các cuộc bạo lực vì lương thực đã xảy ra trong năm 1977 và 2008. Chính phủ Ai Cập khi ấy may mắn vì họ có thể giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, không phức tạp.
Bộ Nông nghiệp Ai Cập năm ngoái cho hay, khoảng 40% tổng sản lượng lương thực thực phẩm của nước này, trong đó có 60% bột mỳ - loại lương thực chủ yếu - được nhập khẩu. Ai Cập từng là một trong những “trụ cột” sản xuất lương thực của thế giới, nay lại trở thành một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất toàn cầu.
Giá ngũ cốc leo thang buộc chính phủ trong năm 2010 phải mở rộng số lượng người chia khẩu phần lương thực, cũng như khẩu phần lúa gạo và đường. Chính phủ Ai Cập cũng tuyên bố rằng 50% lượng bột mỳ cung cấp bị sâu bọ côn trùng phá hoại. Và, một chính phủ như vậy buộc phải đối mặt với những câu hỏi về năng lực quản lý.
Người biểu tình Ai Cập tập trung tại quảng trường Tahrir. Ảnh: AP |
Vậy bạo lực có thể dừng lại? Có lẽ là không, trừ phi có ai đó nhận trách nhiệm về giá lương thực leo thang (thậm chí kể cả khi họ không phải là nguyên nhân) và dịch sâu bọ phá hoại mùa màng. Trong năm 2010, giá lúa mỳ đã tăng từ 50-70%, chủ yếu do các nguyên nhân thời tiết. Trong năm nay, giá ngũ cốc có thể sụt giảm ở mức khiêm tốn.
Tuy nhiên, người ta còn chờ đợi xem xét sự ràng buộc giữa giá ngũ cốc với Trung Quốc và Ấn Độ. Thu nhập ngày một gia tăng ở các nước này dẫn tới nhu cầu ngày một lớn về lượng đạm thịt và các sản phẩm sữa. Hầu hết các thị trường mới nổi điều hiểu rằng họ khó có thể cạnh tranh về ngũ cốc với Trung Quốc và Ấn Độ. Không chỉ có Ai Cập hay Tunisia lo lắng. Algeria và Yemen cũng trong tình cảnh tương tự. Cả hai nước này vẫn đang trong con đường phục hồi từ các cuộc nội chiến.
Bất ổn liệu có lan tới vùng Vịnh? Có lẽ cần xem xét lại vì các quốc gia khu vực này sẵn sàng mua và trợ cấp lương thực. Bất ổn không phải về chính trị mà là lương thực. Đó là lý do vì sao Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cho rằng, ông có thể vượt qua được sóng gió, nhưng điều đầu tiên ông cần làm là nhanh chóng thực thi giá lương thực rẻ.
Ở một tin tức mới, hôm nay quân đội Ai Cập đã cam kết không dùng vũ lực với người biểu tình. Hơn 10.000 người mang theo kèn trống, hét vang các khẩu hiệu phản đối chính phủ tập trung tại quảng trường Tahrir, trung tâm của các cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua.
Chiều tối qua, Phó Tổng thống Omar Suleiman - được ông Mubarak bổ nhiệm mới chỉ hai ngày trước - đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia tuyên bố đề xuất đàm với “các lực lượng chính trị” về cải tổ hiến pháp và lập pháp.
Suleiman không đề cập tới những thay đổi chi tiết hay nhóm cụ thể nào mà chính phủ có thể thương thảo. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử cựu quan chức cấp cao Frank Wisner tới Ai Cập và sẽ gặp gỡ các quan chức nước này nhằm thúc giục họ thực hiện các thay đổi sâu rộng về kinh tế và chính trị.
Tuyên bố của quân đội Ai Cập được phát sóng trên tuyền hình, nói rằng họ công nhận “những yêu cầu hợp pháp của người dân”. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy, họ sẵn sàng để biểu tình tiếp tục diễn ra chừng nào còn hòa bình.
Lệnh giới nghiêm kéo dài sang ngày thứ tư liên tiếp hầu như bị phớt lờ. Ngân hàng, trường học và thị trường chứng khoán tại Cairo đóng cửa trong ngày làm việc thứ hai. Mọi người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hiệu bánh mỳ để tích trữ lương thực.
Các nước và vùng lãnh thổ tiếp tục tăng cường nỗ lực đưa công dân ra khỏi Ai Cập khi biểu tình chưa có dấu hiệu dừng lại. Hai máy bay của Air China và Hainan Airlines đã rời Cairo hôm nay mang theo 480 người Trung Quốc bị mắc kẹt ở Ai Cập. Hai máy bay khác cũng đang trên đường tới Cairo. Đài Loan lên kế hoạch đưa 500 người trở về.
Cả ba máy bay đưa các du khách Nhật Bản mắc kẹt đã rời Cairo và tới Rome sáng sớm nay, mang theo 463 người. Chính phủ Nhật ước tính có khoảng 600 du khách vẫn đang ở Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.200 công dân nước này đã được sơ tán trên chín chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp… Khoảng 2.600 người Mỹ đã liên lạc với đại sứ quán yêu cầu giúp đỡ rời khỏi Ai Cập. Các hãng hàng không châu Âu đã điều máy bay tới Ai Cập để đáp ứng yêu cầu sơ tán.
Du lịch là một trong những nguồn mang lại ngoại tệ lớn nhất cho Ai Cập, chiếm hơn 11% GDP. Năm 2009, khoảng 12,5 triệu du khách đã tới nước này, mang lại nguồn thu 10,8 tỉ USD.
Nga đã khuyến cáo người dân không tới Ai Cập. Bộ Ngoại giao Đức cũng có động thái tương tự.
Thái An (Theo FT, Reuters, AP)