- Vật vã đấu tranh lại sự bất công của tạo hóa, “nữ sinh sư phạm” N.T.P. đã trải qua nhiều lần phẫu thuật để trở lại với hình hài đúng nghĩa của mình. Người trực tiếp thực hiện phần việc này, chính là PGS.TS Trần Thiết Sơn.
Phó PGS.TS Trần Thiết Sơn hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh pôn). |
Nghị lực của P. để đối diện với tương lai rất dài đang chờ đợi bạn phía trước: một “con người” mới trong một “hình hài” mới – hình hài mà ngay từ khi sinh ra, tạo hóa bất công đã “dồn” P. vào một góc hẹp.
Rất nhiều năm kinh nghiệm, với sự dày dặn về chuyên môn, tay nghề, đối với PGS.TS Trần Thiết Sơn, đây không phải là lần đầu tiên ông “dao kéo” cho những bệnh nhân kém may mắn.
“Về y học, đó là một dạng bệnh lý. Ở xã hội phương Tây, sự đi trước một bước về khoa học y khoa, tâm lý xã hội, định kiến xã hội, những người mắc phải bệnh lý này dù sao cũng may mắn hơn rất nhiều so với những bệnh nhân người Việt. Xã hội phương Đông, dư luận xã hội nhiều khi là rào cản vô hình nhưng cực kỳ vững chắc làm triệt tiêu nghị lực của những người không may mắc bệnh” – BS Sơn trải lòng.
P. đã tìm lại mình sau hơn 30 năm chịu đựng nỗi đau thầm kín. |
Trong khoảng thời gian ấy, “khách hàng” của Khoa gần như “đặc biệt” nhất trong Bệnh viện Xanh – pôn, phần lớn là những bệnh nhân bị khiếm khuyết về giới tính, bộ phận sinh dục…
Đội ngũ cán bộ, bác sỹ ở đây đã làm hồi sinh cho rất nhiều số phận, nhiều cuộc đời, trong đó có P…
Trong tiềm thức của ông Sơn, bệnh nhân N.T.P vẫn là một trường hợp khá đặc biệt: Những bệnh nhân đến với khoa, phần lớn đã ở tuổi trưởng thành, nhưng người có độ tuổi cao nhất là tuổi 36 (bệnh nhân N.T.P 36 tuổi – p.v).
Với y học, những bệnh nhân mắc khiếm khuyết về giới tính, sinh lý trong độ tuổi nói trên, sự can thiệp của dao kéo… độ rủi ro và khó khăn hơn rất nhiều so với những trường hợp được phát hiện ngay từ đầu.
“Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi, bệnh viện Việt Đức…, những bệnh nhân ngay từ lúc sơ sinh phát hiện kịp thời, việc phẫu thuật tạo hình dễ dàng hơn, vì nó liên quan tới sự phát triển sau này. Một cái cây ngay từ khi mới trồng có biểu hiện gì khác biệt, nếu can thiệp sớm sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn khi cái cây đó đã phát triển, trưởng thành…” – bác sĩ Sơn nói.
Gần bốn năm trước, N.T.P tìm đến khoa Phẫu thuật tạo hình. Thời điểm đó, P. đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm một thời gian và cũng đã bước sang tuổi 32, độ tuổi với nhiều người khác đã khá ổn định về mặt gia đình, thực hiện thiên chức duy trì nòi giống, thực hiện thiên chức công dân đối với xã hội.
Một “manly” ẩn trong hình hài một cô gái: có ngực, dù không to, chỉ nhu nhú như một bé gái trong độ tuổi 15, bộ phận sinh dục “không rõ ràng”, vẫn có buồng trứng, giọng nói đàn ông, khuôn mặt góc cạnh, tóc tém, chân tay khuềnh khoàng…
Quan trọng nhất, đó là trong tâm lý của P., bao giờ cũng có tư tưởng đối nghịch: sự đấu tranh “chống chọi” lại chính hình hài mà mình đang hiện hữu, với “bản chất” thực của con người bên trong…
Hình hài đàn ông sau phẫu thuật của P. (ảnh tư liệu của Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh - pôn). |
Theo ông Sơn, căn bệnh mà P. phải hứng chịu cũng giống như rất nhiều người kém may mắn khác, trong y học gọi tên là “nam lưỡng giới giả nữ”, biểu hiện của nhiễm sắc thể XY.
Do một số lệch lạc trong quá trình phát triển, cơ quan sinh dục nam không phát triển dẫn đến các biểu hiện “nhi hóa” tinh hoàn, tinh hoàn “ngủ” không chịu phát triển dưới tác động của hóoc môn, toàn bộ giới tính nam ngừng hoạt động.
Thay thế vào đó là toàn bộ cơ quan sinh dục phụ của nữ phát triển, chính vì vậy mà bề ngoài, những người này giống như một phụ nữ thực sự…
“Những biểu hiện như thế, người bệnh thường cam chịu một mình, ít có sự chia sẻ với người thân, bạn bè xung quanh vì những mặc cảm. Nếu như họ không có nhận thức, thì điều đó càng tồi tệ hơn bao giờ hết…”.
Phẫu thuật cắt bỏ “cặp nhũ hoa nửa vời” xong, P. tiếp tục công việc là phiên dịch bên Đài Loan. Ở đó, P. tiếp tục đến bệnh viện Đài Loan phẫu thuật phần sinh dục.
Tuy nhiên, bên Đài, mong muốn của P. không toàn vẹn. Cậu lại tiếp tục trở lại viện Xanh-pôn để PGS.TS Trần Thiết Sơn “trả lại con người” cho mình…
Ông Sơn bảo, “quan trọng nhất đối với người bệnh, đấy là khát vọng, sự quyết tâm. Không ai chán nản, thiếu nghị lực… trong hành trình tìm lại chính mình. Khi họ đã vượt qua chính họ, thì xã hội sẽ có cái nhìn cảm thông, hòa đồng. Bởi một lẽ, đó là một căn bệnh, ai sinh ra cũng muốn được hoàn hảo, nhưng tạo hóa không cho họ niềm hạnh phúc giản đơn đó, thì họ phải tự mình đi tìm cho chính mình…”.
K.Trung