Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times, nói về công việc và nguồn thu nhập của các hoạt náo viên thuộc trường đại học ở xứ sở cờ hoa.
Trong 3 năm làm thành viên của đội cổ vũ trường Đại học Oklahoma, Jamie Andries có cơ hội tham gia nhiều sự kiện lớn như Orange Bowl, Sugar Bowl, Rose Bowl và Final Four 2016.
Những hoạt náo viên như cô có thể kiếm hàng nghìn USD thông qua hợp đồng tài trợ đến từ Crocs, L’Oréal, American Eagle và Lokai.
“Vào đại học là một cột mốc lớn đối với tôi, nó đã mang lại cho tôi nhiều cơ hội tuyệt vời”.
Cô là một trong những “cheerlebrities” (tạm dịch: hoạt náo viên nổi tiếng) hàng đầu với tên tuổi phủ sóng khắp các trường đại học ở xứ cờ hoa.
Các trường đại học không quản thúc cheerleader như cách họ làm các môn thể thao khác nên những hoạt náo viên được phép tận dụng thế mạnh của mình. Ảnh: New York Magazine. |
Những hợp đồng đắt giá
Theo Andries, một số quy tắc quản lý vận động viên thuộc khối đại học không áp dụng cho các hoạt náo viên. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể bán chữ ký, xuất hiện trong quảng cáo và mặc đồng phục cổ vũ để giới thiệu sản phẩm với tư cách là influencer mà không sợ bị kỷ luật.
Trong các môn thể thao do NCAA (National Collegiate Athletic Association, tạm dịch: Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia) quản lý, vận động viên có nguy cơ bị hủy tư cách thi đấu nếu họ tham gia các hoạt động tương tự. Đồng thời đội và trường đại học của họ cũng sẽ bị phạt theo luật, theo The New York Times.
Ví dụ, vào năm 2011, một vụ bê bối đã gây chấn động bang Ohio khi một số cầu thủ bán giải thưởng, kỷ vật của giải đấu cho chủ tiệm xăm. Hành động này dẫn đến huấn luyện viên của đội phải từ chức, một người bỏ mùa giải và 9 sinh viên mất học bổng.
Nhiều quy định khiến VĐV trẻ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi thể thao hay nguồn lợi mang lại từ sự nổi tiếng. Simone Biles, VĐV thể dục dụng cụ từng đoạt 4 HCV tại Olympic 2016, đã từ bỏ đề nghị học bổng từ UCLA vì việc gia nhập đội thể thao của trường khiến cô phải hy sinh quá nhiều thứ.
Kỹ năng hoạt náo ra đời từ cuối thế kỷ 19. Lúc đó, bộ môn này được phát triển từ việc cổ vũ kết hợp với động tác của thể dục dụng cụ, khiêu vũ và nhào lộn. Ảnh: Huff Post. |
Ngược lại, thành viên trong đội cổ vũ ở cấp độ đại học không bị ràng buộc như vậy. Nhiều hoạt náo viên có số lượng follower trên Instagram và mức độ nổi tiếng ngang bằng với các ngôi sao bóng đá.
Mỗi khi xuất hiện trong các cuộc thi cheerleading, họ thường thu hút đám đông, được nhiều người hâm mộ xin chữ ký và chụp ảnh. Số người theo dõi tăng lên khi họ thực hiện các cú nhào lộn ấn tượng, bật người lên không trung hoặc biểu diễn những động tác linh hoạt.
Quyền lợi tỷ lệ thuận với độ nổi tiếng
Đầu những năm 2010, Andries trở thành một trong những ngôi sao cheerleader trên mạng xã hội. Cô nàng "hút fan" khi thi đấu với câu lạc bộ ở trường trung học. Những hợp đồng quảng cáo đầu tiên của cô là các công ty bán đồ cổ vũ, phụ kiện như nơ cài tóc, kẹp...
Hiện Andries có hơn 429.000 follower trên Instagram. Khi số người theo dõi tăng lên, cô càng nhận được nhiều lời mời. Cô đã từng hợp tác với Nissan, Amazon, FabFitFun, Colgate, SmileDirectClub và Urban Decay.
Andries cho hay các huấn luyện viên ở trường đại học không quan tâm đến việc cô mặc đồng phục cổ vũ để quảng cáo. Quy tắc chính của họ là thành viên không được phép bỏ tập để xuất hiện bên ngoài.
“Mối quan tâm duy nhất của các HLV là những điều có thể ảnh hưởng đến đội”, Andries nói thêm.
Không giống như các cầu thủ bóng đá, các hoạt náo viên có thể biến “tiếng vang” của mình thành nguồn lợi khổng lồ. Ảnh: People. |
Mackenzie Sherburn và Shannon Woolsey, hiện làm việc tại Texas Tech, đã xuất hiện trong loạt phim tài liệu “Cheer” của Netflix khi còn tập luyện tại trường Cao đẳng Navarro.
Woolsey, người có tài khoản Instagram khoảng 255.000 người theo dõi, thường đăng nội dung giới thiệu cho công ty Reebok, trang web hỗ trợ học tập Course Hero và thương hiệu mỹ phẩm Vanity Planet. Cô có thể kiếm được hơn 5.000 USD cho mỗi bài đăng.
“Rất nhiều công ty thích những dòng trạng thái của tôi khi nói về sản phẩm của họ và khiến nó mới mẻ hơn”, Woolsey nói.
Sherburn cho biết thêm bên cạnh quần áo miễn phí, toàn bộ thành viên trong đội cổ vũ của Texas Tech còn được giảm giá khi sử dụng dịch vụ chăm sóc da, làm móng ở những thẩm mỹ viện địa phương.
Woolsey và Sherburn nói rằng họ không cần hỏi ý kiến của huấn luyện viên về việc đăng bài quảng cáo.
Đặc quyền riêng
Theo The New York Times, cheerleading chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành một môn thể thao, ít nhất là với NCAA và các cơ quan quản lý liên bang. Một phần là vì nhiều trường đại học đang cố gắng phá vỡ các quy tắc bình đẳng giới bằng cách nâng cao cơ hội cạnh tranh cho nữ.
Một số trường còn cung cấp kế hoạch ăn uống, học bổng, quyền sử dụng nhà ở, dịch vụ dạy kèm, đăng ký lớp học sớm hơn và miễn các khoản phí khác cho thành viên của đội cổ vũ.
Taryn Burke, cựu hoạt náo viên và hiện là trợ lý huấn luyện viên tại Đại học Central Florida, cho hay đội của cô được hưởng những quyền lợi như bất kỳ môn thể thao nào khác. Các thành viên được trao học bổng dựa trên kỹ năng, điểm số và mức độ gắn kết với đội.
Nhiều hoạt náo viên trở thành influencer trên mạng xã hội. Ảnh: The New York Times. |
Peg Fitzpatrick, chuyên gia tiếp thị truyền thông, nhấn mạnh các thương hiệu muốn tập trung vào hoạt náo viên vì 2 lý do: đội cổ vũ có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng mục tiêu (những người ở tuổi vị thành niên) và họ tạo cơ hội cho các công ty khai thác tinh thần thể thao ở khối đại học mà không cần sự can thiệp của tổ chức khác.
Ryan Cummings (16 tuổi), đến từ North Carolina, bắt đầu nổi tiếng và có 437.000 người theo dõi sau khi bức ảnh chụp cô trong biểu cảm ngổ ngáo tại một hoạt động cổ vũ trở thành meme trên mạng.
Cô kiếm tiền thông qua các bài đăng trên TikTok. Giống như những hoạt náo viên khác, Cummings cũng bán chữ ký và tìm một đơn vị giúp cô đàm phán các giao dịch.
Woolsey và Andries cũng thực hiện cách tương tự Cummings. Còn Andries, hiện là giám đốc truyền thông cho công ty Rebel Athletic, vẫn nhận được nhiều hợp đồng nhờ sự nổi tiếng từ khi còn đi học.
“Tôi được luyện tập và có nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Tôi tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho bản thân sau thời gian học đại học”, Andries chia sẻ.
Dân Italy phẫn nộ với chương trình dạy phụ nữ khêu gợi trong siêu thị
Một chương trình phát sóng trên truyền hình nhằm hướng dẫn phụ nữ những mẹo để “mua sắm một cách khêu gợi” đã vấp phải sự phẫn nộ ở Italy.
Theo Zing