Trước nay, người đời thường nói “mê gái đẹp” chứ mấy ai nói “mê trai đẹp” bởi “trai tài, gái sắc”.
“Trai đẹp” Omar khiến nhiều người thất vọng khi đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất |
Phải công nhận rằng khi nhìn qua ảnh, họ đẹp thật. Chiều cao từ 1,8 m trở lên, cơ thể cân đối, được xem là “trai đẹp” cũng chẳng có gì lạ. Bởi vậy, chàng “trai đẹp bị trục xuất” ấy không chỉ có lượng người hâm mộ khổng lồ tại nhiều quốc gia mà nghe đâu anh ta còn được người hâm mộ gửi tặng món quà “khủng” là một chiếc ô tô siêu sang.
Thế nhưng, giới phóng viên và không ít người hâm mộ Việt Nam đã phải thất vọng khi tận mắt chứng kiến “trai đẹp bị trục xuất” Omar bằng xương bằng thịt khi anh vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 11/9. “Trai đẹp” này chẳng có gì nổi bật, thậm chí chẳng có sức hấp dẫn nào, đó là nhận xét chung của nhiều nhà báo nữ.
Vậy mà suốt mấy ngày qua, rất đông bạn trẻ tại TP HCM cứ như phát sốt, nóng lòng chờ đợi sự kiện này. Một vài phòng trà, bar ca nhạc tại TP HCM cũng ăn theo bằng cách liên kết với nhà tổ chức để tổ chức thêm những đêm diễn cho anh ta nhằm câu khách.
Việc mời Omar và anh em nhà họ Lưu về Việt Nam với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận cũng là chuyện bình thường. Ai thích thì đến xem, không thích thì thôi. Nhưng điều đáng nói là việc kinh doanh “trai đẹp” này được nhà tổ chức nâng tầm theo kiểu: “Mục đích chính của chúng tôi là muốn mang cảm xúc mới đến cho khán giả của mình. Đây là sự giao lưu, kết nối giữa các nhân vật được các bạn trẻ trên thế giới quan tâm với các bạn trẻ Việt Nam. Vì mong muốn chương trình dành cho nhiều bạn trẻ nên chúng tôi nghĩ lựa chọn này của mình (đưa “trai đẹp” đến Việt Nam) là phù hợp” - lời BTC.
Điều người trẻ cần là những bài học cho bản thân từ một tài năng đáng ngưỡng mộ nào đó hơn là ngắm nhìn một con người có hình thức sáng nhưng vô bổ. Thế nên, nỗ lực đưa “trai đẹp” Omar hay nhóm “trai đẹp” sinh 3 nhà họ Lưu cđể giao lưu với khán giả trẻ Việt chỉ cho mọi người thấy hoạt động tổ chức biểu diễn ở Việt Nam đang bế tắc về ý tưởng, như nhận xét của nhiều người trong giới chuyên môn.
Các “trai đẹp” này sẽ làm gì trên sân khấu Kết nối ước mơ khi bản thân họ chưa có thành tích gì trong những công việc mà họ đang theo đuổi (Omar là người mẫu, còn anh em nhà họ Lưu là diễn viên không tên tuổi)? Và với cái tên chương trình Kết nối ước mơ, khán giả trẻ Việt Nam sẽ kết nối được gì với những khách mời này. Có chăng, giới trẻ ước mình sẽ đẹp như họ để được nổi tiếng sau khi bị trục xuất ở một nước Hồi giáo hay ít nhất là được một công ty nào đó mời giao lưu và có thù lao?
Sự dị hợm còn tăng lên khi đơn vị tổ chức thông báo sẽ có 30 khán giả may mắn từ bốc thăm khi tham gia chương trình được ăn trưa miễn phí cùng Omar. Người nào muốn ăn tối riêng với Omar thì phải tham gia đấu giá từ thiện với mức đấu giá khởi điểm là 20 triệu đồng.
Có lẽ sau sự kiện này, các trung tâm thẩm mỹ sẽ được hưởng lợi khi đẹp trai cũng hái ra tiền...!
Sự cuồng nhiệt của công chúng đối với sự kiện “trai đẹp” đến Việt Nam một phần là do không ít phương tiện truyền thông “kích lên”. Công chúng đâu biết Omar là 1 trong 3 người bị buộc rời khỏi một lễ hội văn hóa ở Ả Rập Saudi và bị trục xuất về nước không phải vì “quá đẹp trai” như báo chí ở Việt Nam đưa tin mà bởi anh ta đã cố tiến vào khu vực dành riêng cho gia đình và có những biểu hiện thái quá khi nhảy nhót trong buổi trình diễn không phù hợp với văn hóa của người bản xứ. Còn anh em nhà họ Lưu được đơn vị tổ chức loan tin với truyền thông trong nước là từng tham gia phim Pacific Rim nhưng truyền thông phương Tây không hề nhắc đến họ. Khi đến Việt Nam, họ được săn đón như thể các ngôi sao hàng đầu. Chính họ còn thấy choáng ngợp!
Tán dương cái đẹp không có gì sai. Kinh doanh cái đẹp cũng không sai nhưng đẩy “trai đẹp” thành sự kiện có giá trị làm lệch hướng nhận thức của giới trẻ thì không nên chút nào.
(Theo NLĐ)