- Nhìn gương mặt sáng láng, đẹp trai có chiếc kính cận thư sinh của kẻ đứng trước vành móng ngựa, không ai nghĩ đó là một sát thủ từng ra tay tước đoạt mạng sống của cô gái đang tuổi đôi mươi. Cái kết của mối tình ngắn ngủi khiến ai biết đến cũng phải đắng lòng...

Cuồng ghen nông nổi

Phòng xử B TAND TP.HCM hôm ấy đông nghẹt người dự khán. Kẻ bị đưa ra xét xử với tội danh giết người là một thanh niên tuổi đời còn trẻ - Phạm Văn Phú (25 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM). Ngay lập tức, sự xuất hiện của Phú gây chú ý với nhiều người dự khán bởi cách ăn mặc gọn gàng, nước da trắng và khuôn mặt rất ưa nhìn.

Cúi gằm trước vành móng ngựa, Phú đứng nghe vị công tố viên đọc bản cáo trạng. Theo nội dung vụ án, Phú và cô gái có tên Nguyễn Hiếu Hạnh (SN 1993, ngụ quận 1, TP.HCM) nảy sinh quan hệ tình cảm từ tháng 3/2013. Giữa tháng 6/2013, Hạnh đi du lịch sang Đan Mạch thăm người bạn trai cũ.

{keywords}
Phạm Văn Phú tại tòa

Ngày 18/7/2013, trong lúc Phú đi làm thì nhận được tin nhắn của Hạnh báo cô đã về nước và đã đến trả mẹ Phú 10 triệu đồng mà cô đã vay trước chuyến đi.

Nghĩ rằng người yêu đã quay lại với bạn trai cũ, Phú về nhà lấy một con dao bỏ vào cốp xe đến nhà tìm Hạnh để nói chuyện. Gặp nhau, cô gái cho biết mình sẽ đi du học. Nghe vậy, Phú bỏ về nhưng trên đường đi, sau một hồi suy nghĩ Phú quay lại, gọi Hạnh ra nói chuyện tiếp.

Thấy bạn gái thờ ơ, quyết tâm đi du học, Phú lập tức lấy dao trong cốp xe ra đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực cô gái trẻ.

Khi cô gái gục xuống đất, Phú tiếp tục túm tóc giật lên đâm thêm một nhát nữa vào cổ. Sự việc diễn ra quá nhanh, khi người bảo vệ gần đó phát hiện thì Hạnh đã gục xuống. Phú vứt dao bỏ chạy liền bị quần chúng nhân dân đuổi theo bắt giữ. Cô gái 20 tuổi tử vong trên đường đi cấp cứu.

Những cái chết "tuổi xanh"

Tại tòa, nghe thẩm vấn về hành vi tội ác, kẻ mang danh sát thủ cúi gằm. "Bị cáo rất yêu Hạnh, cả hai đã hứa sẽ ở bên nhau mãi mãi. Bị cáo không muốn mất cô ấy. Khi Hạnh nói sẽ đi du học, bị cáo sợ mất Hạnh. Khi nói chuyện thì Hạnh tỏ thái độ khác nên bị cáo đã không làm chủ được mình...", đôi mắt rơm rớm nước, Phú khẽ trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát.

"Trong tình yêu là sự tự nguyện đến với nhau, mọi người đều có quyền bình đẳng, quyền lựa chọn. Ngay cả khi đã kết hôn nếu hôn nhân không hạnh phúc, pháp luật cho phép con người có quyền ly hôn. Bị cáo và Hạnh mới chỉ trong giai đoạn tìm hiểu, yêu đương sao có thể vì Hạnh muốn chia tay mà bị cáo đang tâm tước đoạt mạng sống của người ta? Bị cáo ra tay dã man như vậy mà có thể nói rất yêu Hạnh sao?".

Nghe HĐXX phân tích, Phú cúi đầu cầm lặng, hai dòng nước mắt trào ra. Trong phần thẩm vấn, Phú đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân.

Ngồi ở hàng ghế phía trên với tư cách đại diện người bị hại, cha mẹ Hạnh nhiều lần đưa tay lau nước mắt. Được HĐXX mời lên thẩm vấn, cha Hạnh kể về buổi chiều định mệnh: "Tôi không bao giờ quên được buổi chiều hôm ấy. Lúc Phú đến tôi đang ở trong nhà. Con gái tôi vừa ra ngoài tôi đã nghe tiếng hét thất thanh của nó. Khi tôi chạy ra, con gái tôi đang co giật trên vũng máu. Chỉ trong chốc lát vợ chồng tôi đã mất con, tôi không bao giờ tha thứ cho tội ác của Phú".

Nghe người chồng trình bày, bao dồn nén òa vỡ, mẹ Hạnh khóc, đôi vai run lên bần bật. Họ cho biết sự ra đi của con gái ở tuổi 20 là một nỗi đau quá lớn.

Bao dự định, bao kỳ vọng mất đi, chỉ còn lại nỗi đau ám ảnh từng ngày. Đêm nào hình ảnh đứa con gái tội nghiệp trong bộ quần áo nhuốm máu nằm trên băng ca của xe cấp cứu cũng đi vào giấc ngủ. Khi tỉnh lại, họ chỉ biết ôm nhau khóc vì quá xót xa.

Với hành vi trên, Phú bị tuyên phạt mức án cao nhất: tử hình. Cặp mắt đỏ hoe, mẹ Phú khóc trong tuyệt vọng. Bà lê từng bước chân nặng nề rời phòng xử khi bóng con đã khuất sau bức tường bên hông tòa án.

Ngay sau khi vụ án được đưa ra xét xử, trên mạng xã hội facebook đã đăng tải nhiều tấm hình của Phú kèm theo những lời bình luận, tiếc nuối cho "sát thủ đẹp trai". Tuy nhiên, pháp luật không phân biệt giàu - nghèo, đẹp - xấu (hình thức bên ngoài), cái mà pháp luật hướng tới là sự công bằng; răn đe, trừng phạt, loại trừ cái ác ra khỏi đời sống để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Mai Phượng