Thang máy “tử thần” đã có tiền sử hỏng hóc
Thang máy của tòa nhà hiện chỉ sử dụng một chiếc. Nhưng một chiếc này thi thoảng mới họat động.
Thi thoảng, lác đác 1 vài người đi vội qua hành lang, nơi có chiếc thang máy “tử thần”. Mọi người dường như cố tránh nhìn vào chiếc thang ấy để đỡ phải nghĩ đến câu chuyện kia.
Một người ở phòng 705 cho biết, câu chuyện người đàn ông tử nạn trong thang máy vẫn khiến những người dân ở đây cảm thấy bất an. Vì thế, nhiều gia đình ở tầng không quá cao cố gắng đi thang bộ cho đỡ... sợ.
Người dân lo lắng nên vẫn tạm thời đi thang bộ |
Bà Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố của tòa nhà CT3 cho biết, thang máy ở đây hoạt động không đến nỗi quá tệ như mọi người lo lắng. Tuy nhiên, ở đây hay xảy ra sự cố mất điện, thang máy lại không có bộ lưu điện nên thường xuyên phải... cứu hộ bằng tay.
Tòa nhà CT3 được xây 12 tầng thuộc sự quản lý của Công ty Constrexim, được đưa vào sử dụng từ năm 2006.
Khi được hỏi, các hộ dân sống tại đây đều cho hay, hệ thống thang máy của tòa nhà đã có “tiền sử” hỏng hóc (thang máy do Công ty CP thang máy và xây dựng tài nguyên TANEC lắp đặt).
“Bây giờ, mọi người cố gắng gạt đi chuyện kia để cố sống bình thường thôi!” – một người dân trong tòa nhà cho biết.
Tòa nhà CT3 của Constrexim được bán với giá từ 5,3 – 5,6 triệu/m2. Cư dân tòa nhà đều sinh sống ở đây đã lâu, thi thoảng mất điện vẫn được cứu hộ bình thường theo phương pháp dùng tay. Tuy nhiên, chưa bao giờ xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua.
TANEC trần tình chuyện thang máy “tử thần”
PV VietNamNet đã tìm gặp ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng giám đốc Công ty CP thang máy và xây dựng tài nguyên TANEC.
Ông Hùng cho biết: Đúng là công ty của ông có lắp đặt thang máy cho tòa nhà CT3 Yên Hòa của Constrexim. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2010 thì hết hạn hợp đồng bảo hành, bảo trì. Công ty của ông Hùng có gửi công văn sang Công ty TNHH một thành viên Quản lý Bất động sản Constrexim để nhắc nhở chuyện bảo trì tiếp. Nhưng hợp đồng bảo trì thang máy giữa 2 công ty không tiếp tục duy trì.
Hợp đồng bảo trì do TANEC cung cấp đã kết thúc với Constrexim ngày 30/9/2010 |
Ông Hùng giải thích: Thang máy là một thiết bị hết sức an toàn. Tuy nhiên, để thang vận hành tốt và an toàn thì việc bảo trì phải diễn ra thường xuyên 1 tháng/lần. Việc bảo trì của công ty với thang máy ở tòa nhà CT3 đã kết thúc ngày 30/9/2010 nên ông không thể nói gì về tình hình của thang máy hiện tại.
Được biết, nguyên tắc của chung cư có thang máy là phải có một trong hai thiết bị sau: Máy phát điện tạm thời hoặc máy lưu điện để khi thang gặp sự cố mất điện thì 4 giây sau phải có điện từ máy phát hoặc máy lưu điện để đưa thang về tầng gần nhất, mở cửa cho người ra.
Một nguyên tắc đảm bảo an toàn nữa là đối với các tòa nhà có thang máy, bắt buộc phải có người trực thang ở ngoài, luôn trong tình trạng sẵn sàng khắc phục sự cố.
Người dân đang đặt câu hỏi, đối với trường hợp của tòa nhà Constrexim, tại sao không có người trực thang máy, sao lại để cho một nhân viên bảo vệ tự ý mở cửa lúc “thang không bằng tầng” (thang đang lơ lửng giữa tầng 3 và tầng 4)?
Một chuyên gia hiểu biết về an toàn thang máy cho hay, trong trường hợp này, nếu nhân viên bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ trực thang thì cũng phải có hiểu biết cơ bản về việc cứu hộ thang máy, không được phép mở khi thang đang ở giữa tầng như vậy.
“Nạn nhân đã rất hoảng loạn”
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Minh Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý Bất động sản Constrexim, đơn vị trực tiếp quản lý tòa nhà cho biết: Thang máy của tòa nhà được lắp đặt vào năm 2005. Tại thời điểm này thế hệ thang máy cũ của hãng Hyundai không có bộ lưu điện.
Riêng máy phát điện dự phòng cho tòa nhà phải khởi động bằng tay cho nên việc phát điện dự phòng phải mất một số thời gian nhất định. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, bộ phận kỹ thuật của công ty quản lý tòa nhà đang vận hành máy để phát điện thì vụ việc xảy ra....
Theo ông Hiệp, khu đô thị Yên Hòa là khu đô thị mới, tại khu này có rất nhiều công trình cao tầng đang xây dựng, việc sử dụng điện để xây dựng công trình đôi khi tạo ra các sự cố đột xuất và ảnh hưởng đến đường điện chung của toàn khu vực, tuy không nhiều nhưng xảy ra bất ngờ như việc mất điện vừa qua.
Ông Hiệp cho hay, đó là một sự cố khách quan ngoài sự kiểm soát của công ty quản lý tòa nhà. Vì thiết bị thế hệ cũ, cho nên thang máy dừng bất ngờ tại thời điểm mất điện mà không về bằng tầng và thiết kế của thang máy này chỉ có cứu hộ bằng tay. Việc cứu hộ này không xảy ra thường xuyên.
Ông Hiệp cũng đưa ra các loại giấy tờ bảo trì thang máy hàng tháng ký với công ty TNHH thang máy Sao đỏ. Theo đó, lần bảo trì gần nhất là 9/9/2011.
Thang máy xảy ra tai nạn hiện vẫn đang tạm dừng hoạt động |
Theo quy trình tác nghiệp của công ty quản lý tòa nhà, thì việc cứu hộ bằng tay được giao cho tổ điện nước và trực bảo vệ, nên việc bảo vệ tham gia cứu hộ thang máy là đúng chức năng nhiệm vụ được giao.
Trước khi xảy ra tai nạn, nạn nhân có gọi điện cho chủ nhà 602 để báo cứu hộ và tổ bảo vệ đang thực hiện thao tác cứu hộ có sự chứng kiến của chủ nhà 602. Lúc này nạn nhân rất hoảng loạn.
Khi người cứu hộ mở được cửa thang ra thì chủ nhà 602 có hỏi nạn nhân "Chú có tự ra được không?" thì nạn nhân trả lời "Ra được" và tự tụt xuống sau đó rơi xuống hố thang ngay lúc đó. Sự việc xảy ra quá nhanh ngoài sự kiểm soát của người cứu hộ.
Ông Hiệp cho biết thêm, tại thời điểm này, các thiết kế và hệ thống máy móc đều là thế hệ cũ so với thời điểm hiện nay, tuy nhiên công ty quản lý tòa nhà vẫn thường xuyên thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hàng tháng cũng như kiểm định chất lượng của thiết bị thang máy.
Việc kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng do các đơn vị và cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận.
Được biết, sau khi xảy ra tai nạn, công ty quản lý khu dự án đã triệu tập các nhân viên và đơn vị liên quan họp bàn, phân tích sự việc, rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động, tìm các nguyên nhân chủ quan và khách quan để rút kinh nghiệm.
Quy trình cứu hộ thang máy Khi thang máy gặp sự cố, cabin sẽ dừng lại ở điểm bất kì trong hố thang; Để giải phóng người hoặc hàng hóa ra ngòai, thực hiện theo các thao tác sau:
|
Thu Lý