Từ cuối năm ngoái, xuất hiện dồn dập trên các phương tiện truyền thông đại chúng là những cáo buộc nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công cụ “chuyển giá” nhằm mục đích “né thuế”. Thậm chí, nhiều bài viết còn gọi thẳng đây là hành vi “trốn thuế”, “làm nghèo đất nước”.


Đầu tiên là Coca-Cola. Hoan nghênh tuyên bố sẽ tiếp tục rót 300 triệu USD vào Việt Nam của CEO Mutar Kent là hàng loạt bài báo đặt nghi vấn Coca-Cola đã “né thuế” hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.

Bằng chứng nổi bật, được nhấn đi nhấn lại nhiều lần và đi vào lòng công chúng nhất là tại sao đã lỗ lũy kế hơn 3.768 tỷ đồng mà Coca-Cola vẫn quyết định đầu tư mở rộng? Vì sao doanh thu của Coca-Cola vẫn tăng 3 lần trong giai đoạn 2008-2011, từ hơn 800 tỷ đồng lên hơn 2.500 tỷ đồng.

Nhìn vào phần “ý kiến của một cán bộ thuế giấu tên”, dường như cơ quan thuế tập trung nhiều vào tỷ lệ chi phí hương liệu, phụ liệu trong tổng giá vốn hàng bán của Coca-Cola (67-85% giá bán sản phẩm).

Tên tuổi thứ hai vào tầm ngắm là Adidas. Báo chí liệt kê hàng loạt loạt chi phí được cho là không hợp lý hợp lệ như chi phí treo ảnh quảng cáo tại cửa hàng trả cho Adidas mẹ, chi phí quản lý vùng, chi phí tư vấn mua nguyên phụ liệu...

Phát súng thứ ba nhắm vào Keangnam Vina với “nghi vấn” dựa trên ba điểm chính. Thứ nhất, Keangnam Vina thuê một công ty liên kết là Keangnam Enterprises làm nhà thầu chính thi công Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tuy Keangnam Vina lỗ nhưng Keangnam Enterprises lãi to.

Thứ hai, Keangnam Vina vay vốn từ Ngân hàng Kookmin với lãi suất trung bình 12% trong khi lãi suất vay USD tại các ngân hàng trong nước chỉ là 5-7%.

Thứ ba là những chi phí bị coi là “trời ơi” như chi phí dịch vụ thu xếp nguồn vốn hay chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, …


Nghe thì hay nhưng thu thêm thuế thì không

Những nguyên cớ cụ thể, ngôn từ đanh thép khiến nhiều người nghĩ từ “báo chí lên án” tới “xử lý” cũng chỉ một sớm một chiều như vụ Vinalines. Và có lẽ, vài tháng nữa Tổng cục Thuế sẽ dễ dàng đặt lên bàn án truy thu thuế hàng ngàn tỷ đồng, hay ít nhất nhiều người cũng nghĩ như vậy.

Nhưng chuyện không đơn giản thế. Dựa trên những lập luận đã công khai trên báo chí, có vẻ chính Tổng cục Thuế mới đang ở thế yếu.

Thứ nhất, “dấu hiệu khả nghi” không phải “bằng chứng”.

Lỗ nặng kéo dài nhiều năm tuy là dấu hiệu được sử dụng phổ biến để xác định doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, nhưng đây không phải bằng chứng có thể trình ra trước tòa. Chắc chắn không ai lại đi buộc tội Vinashin và Vinalines chuyển giá, dù hai “cựu đại gia” này lỗ sổ sách hàng ngàn tỷ. Hay như Facebook, 5 năm sau khi ra đời công ty mới bắt đầu lãi, dù có tới cả tỷ người dùng.

“Đầu tư mở rộng” cũng vậy. Quyết định đầu tư dù có bị tác động bởi kết quả trong quá khứ nhưng về bản chất là quyết định cho tương lai. Nếu Coca-Cola “bẻ” lại rằng dù trước đây tôi lỗ, nhưng thế đứng của hãng ở Việt Nam đã vững mạnh, giờ là lúc phải mạnh dạn tấn công dành lại những gì đã mất trong các năm trước, thì cũng … chịu.

Còn nếu coi thuê công ty liên kết thực hiện hợp đồng xây dựng như Keangnam là chuyển giá, thì mấy năm trước Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ra chỉ thị yêu cầu các công ty con sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nội bộ tập đoàn tính sao?

Thứ hai, nhiều loại chi phí mà báo chí coi là “không hợp lý, hợp lệ” thực chất là các khoản chi rất bình thường.

Ví dụ như chi phí “tiếp thị quốc tế”, mà bản chất là chi phí thuê người chụp hình quảng cáo để treo ảnh tại các cửa hiệu Adidas. Adidas mẹ phải mất rất nhiều tiền mới thuê được Lionel Messi chụp hình quảng cáo nên chắc chắn họ phải đòi tiền bản quyền hình ảnh từ các công ty con. Adidas Việt Nam ắt bán được không ít hàng nhờ hiệu ứng “muốn mua giày Messi” nên khó có thể coi đây là chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một loại chi phí khiến nhiều người bức xúc khác là chi phí thu xếp vốn của Keangnam Vina. Nghe có vẻvô lý, nhưng không, đây là loại chi phí luôn xuất hiện trong các hợp đồng vay (cả trong nội bộ Việt Nam hay với nước ngoài), dù không phải lúc nào nó cũng mang cái tên “thu xếp vốn”.

Nếu Tổng cục Thuế quyết coi đây là “chi phí không hợp lý, hợp lệ” thì tất cả các ngân hàng cả trong nước lẫn nước ngoài sẽ rào rào phản ứng, và ai cũng biết “nhóm lợi ích ngân hàng” mạnh đến đâu.

Tình “gian”, lý “ngay”

Nếu ở trên là những điểm Tổng cục Thuế “chưa đúng”, thì dưới đây là những điểm rõ ràng phía doanh nghiệp “giở trò” nhưng Tổng cục thuế “không chứng minh được mình đúng”.

Đơn cử như giá hương liệu của Coca-Cola. Nhìn tỷ lệ 67-85% giá vốn của khoản chi này không ai là không nghi ngờ. Nhưng để xác quyết được là “quá cao” thì chịu. Trên đời chỉ có một hãng Coca-Cola, hương liệu cùng bí quyết trăm năm của họ cũng chỉ có một, không lấy đâu ra sản phẩm giống hệt để so sánh.

Muốn dùng sản phẩm tương tự cũng khó, vì Coca-Cola “chuyển giá” chẳng nhẽ Pepsi lại không. Còn nếu dùng hương liệu của Tân Hiệp Phát thì rất khó thuyết phục, vì một bên là danh tiếng toàn cầu, còn một bên mới chỉ ở cấp quốc gia (mà lại còn là “quốc gia nhỏ”).

Một lối khác là so sánh với giao dịch của Coca-Cola mẹ với các Coca-Cola con ở các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, … Nhưng ít khả năng Coca-Cola mẹ chịu cung cấp các thông tin kể trên, và nếu có thì ai biết số liệu ấy là thật hay giả?

"...các doanh nghiệp FDI giống như một pháo đài vốn đã khó công phá lại không thiếu tiền tuyển mộ “lính đánh thuê” từ các công ty tư vấn hàng đầu nên chuyện phá thành bắt tướng là điều không thể."

"Ảo” hơn là các loại chi phí thuộc loại “tư vấn”. Rất khó đo đếm một cách thuyết phục chất xám trị giá bao nhiêu cũng như chẳng ai biết để có được quyền sử dụng đất của khu đất vàng cả bốn mặt đều là đường lớn như Keangnam Landmark Tower phải tốn kém thế nào (và tốn kém “ở đâu”).

Cơ sở chứng minh dù có, nhưng đôi khi lại thành có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như lãi suất Keangnam vay từ Kookmin Bank (12%) được so sánh với lãi suất vay USD của ngân hàng trong nước (5-7%).

Chiến thuật công thành

Những luận điểm và bằng chứng nêu ra trên báo chí không thuyết phục, nhiều chỗ còn mang tính hài hước, nhất là với người trong nghề.

Tổng cục Thuế thừa hiểu điều đó. Họ hiểu các doanh nghiệp FDI giống như một pháo đài vốn đã khó công phá lại không thiếu tiền tuyển mộ “lính đánh thuê” từ các công ty tư vấn hàng đầu nên chuyện phá thành bắt tướng là điều không thể. Hô “xung phong” rồi ào lên tấn công thì chỉ có thua.

Có một thời, ta vừa nhỏ vừa yếu vừa lạc hậu vẫn thắng được cường địch hùng mạnh số một thế giới. Giờ là lúc dùng lại hai chiến thuật của “thời thắng Mỹ”: du kích và công luận.

(Theo TTVN)