Chương trình 135 là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Đây là Chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai bắt đầu giai đoạn I từ năm 1999 - 2005. Chương trình được biết đến rộng rãi dưới tên gọi Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau hơn 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã trải qua nhiều giai đoạn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, đời sống người dân có sự chuyển biến theo hướng tích cực.
Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được như: Tỷ lệ thôn, buôn có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi... tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng; an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội được giữ vững.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó, Chương trình 135 vẫn còn những hạn chế nhất định: Mục tiêu giảm nghèo chưa đạt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao là 46.033 hộ - chiếm tỷ lệ 9,33%, cận nghèo là 43.911 hộ - chiếm tỷ lệ 8,9%. Trong đó, hộ nghèo là người DTTS 30.589 hộ, chiếm tỷ lệ 66,45% (UBND tỉnh Đắk Lắk, 2020).
Bài viết nhằm tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, tìm nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình 135, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong tương lai.
Triển khai Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Tình hình kinh tế - xã hội của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng tại các xã đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể. Các công trình phục vụ thiết yếu cho đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã như giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt... đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn, cũng như cải thiện rõ nét cuộc sống của người dân sống trên địa bàn các xã được đầu tư Chương trình 135.
Cụ thể, hiệu quả của các công trình được người dân đánh giá cao như: Công trình trường học 82,7%, Công trình điện 76,0%, Trạm y tế 70,0%. Bên cạnh đó, có công trình cấp nước sinh hoạt người dân chưa thực sự hài lòng và đánh giá không hiệu quả lên tới 16,7%.
Đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng đường giao thông nông thôn lầy lội vào mùa mưa, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, các tuyến kênh, mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế nông nghiệp.
Xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sĩ, 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.
100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các ấn phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.
Tổng kinh phí giao để thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ giai đoạn 2017 - 2019 là 287.288 triệu đồng. Đã thanh toán nợ cho 18 công trình; khởi công mới 675 công trình gồm: 595 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, 17 công trình giáo dục, 45 công trình văn hóa và 01 công trình trạm bơm điện. Duy tu bảo dưỡng 64 công trình trên địa bàn các xã được đầu tư của Chương trình 135.
Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2019 là 56.452 triệu đồng. Tổng số dự án đã thực hiện là 300 dự án, hỗ trợ cho 5.249 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện, xã. Trong đó: 265 dự án chăn nuôi; 28 dự án trồng trọt; 5 dự án hỗ trợ vật tư, phân bón và 02 dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị; mua vắc xin lở mồm long móng là 199.200 liều vắc xin với kinh phí 5.000 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kinh phí giai đoạn 2017 - 2019 để thực hiện nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở Chương trình 135 là 12.079 triệu đồng. Tổ chức 31 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, với 3.463 học viên tham dự, 26 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở với 2.639 học viên tham dự và tổ chức 03 đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.
Nhìn chung, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa. Thực tế, qua các năm trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ các loại cây giống như cao su, cà phê, bời lời, giống lúa năng xuất cao,... các loại con giống như trâu, bò, lợn, dê sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả điều tra cho thấy, thu nhập của hộ gia đình liên tục tăng theo từng năm. Kết quả, năm 2017 thu nhập bình quân mỗi hộ là 29,5 triệu đồng; năm 2018 đạt 36,2 triệu đồng và năm 2019 bình quân đạt 42,9 triệu đồng/hộ/năm.
Tính riêng năm 2019, bình quân mỗi hộ có thu nhập là 42,9 triệu đồng. Số nhóm hộ có thu nhập cao nhất là nhóm người Kinh (50,8 triệu đồng/hộ/năm); tiếp đến là nhóm người Nùng (47,1 triệu đồng /hộ/năm), thấp nhất là nhóm người Mông (34,6 triệu đồng/hộ/năm). Đây cũng là nhóm hộ có số nhân khẩu bình quân lớn nhất so với các nhóm hộ khác.
Bên cạnh đó, nhóm hộ người Dao có số thu nhập/lao động/năm là thấp nhất so với các nhóm hộ khác do nhóm hộ này có số lượng người đang trong độ tuổi lao động cao hơn so với các nhóm khác nhưng cách thức sản xuất không mang lại hiệu quả cao.
Từ những phân tích trên, về thu nhập, ta thấy rằng thu nhập các nông hộ là không đồng đều giữa các năm, giữa lao động, giữa nhân khẩu và nhóm dân tộc.
Nhờ sự tập trung nguồn lực của Chương trình 135 kết hợp với các nguồn lực đầu tư khác nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư xây dựng đạt chất lượng tốt và phát huy hiệu quả, tạo tiền đề thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng thành thị và nông thôn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được củng cố và giữ vững.
Hoàng Hiệp, Bích Hạnh, Ánh Tuyết, Như Sỹ