- Bộ GD-ĐT vừa có chỉ đạo việc tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Tuy nhiên, việc triển khai này ở các trường không dễ.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh trên từng mặt và chia thành các mức độ: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành,  Đạt hoặc Chưa đạt.

Sau đó, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu các bạn có thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc trong từng mặt. Việc ghi vào Giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.

{keywords}
Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Chung)

Những thắc mắc của phụ huynh

Trao đổi với báo Gia đình và Xã hội nhiều phụ huynh cũng bày tỏ không đồng tình với quy định đánh giá mới.

Cho rằng "áp dụng các hoạt động biểu dương, khen thưởng là điều nên làm", nhưng phụ huynh Trần Đức Tuấn (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học lớp 2 - nhận thấy việc đưa các khái niệm về thi đua, bình bầu, xếp loại, xuất sắc hay yếu kém cho các cháu là "quá sớm", nhất là phải đánh giá các bạn đồng trang lứa.

Còn chị Ngô Thùy Trang (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 1 nhìn nhận, việc  bắt các cháu phải “đấu đá”, bình chọn sớm như thế chỉ làm hại trẻ. Ở cấp tiểu học, trẻ chơi mà học là chủ yếu, sao nỡ bắt ép các cháu phải loại nhau chỉ vì tấm giấy khen?"

Phụ huynh Nguyễn Thu Hương (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 4 thắc mắc, đưa các cháu vào chuyện bình bầu là quá nhiêu khê, không phù hợp với lứa tuổi. Đã thế, còn thêm vào tiêu chí lấy ý kiến phụ huynh để làm gì, phụ huynh nhận xét về con mình chắc chắn là “thiên vị” rồi, còn nhận xét về các cháu khác thì có học cùng, chơi cùng các cháu đâu mà biết?

Giáo viên; Điệp khúc vất vả, mệt mỏi

Hiệu phó một trường tiểu học tại Vĩnh Phúc thẳng thắn, trường hiện đánh giá, khen thưởng trò vẫn dựa trên điểm số là chính.

Cô cho biết thêm: “Để đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh đa phần các em đều ngoan, biết nghe lời. Chỉ có điều cô phải rèn thêm tính tự giác. Trên lớp do kiến thức nhiều nên việc tổ chức các hoạt động cho trò sinh hoạt chung hoặc ít, hoặc bị cắt xén để dạy văn hóa”.

Chủ trương yêu cầu cô chủ nhiệm họp cùng các thầy cô bộ môn để đánh giá học sinh là tốt. Nhưng cách làm này sẽ khiến giáo viên vất vả, mất thời gian.

“Một thầy cô bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật hay Thể dục sẽ phải dự 15-20 cuộc họp tương đương với số lớp dạy và phải đưa ra ý kiến cùng giáo viên chủ nhiệm. Như vậy liệu có thực tế, các cô có nhớ hết trò của mình không? Trong khi người nắm chắc nhất trò là cô chủ nhiệm.

Hiện nay giáo viên nhiều công việc. Để ngồi lại với nhau thầy cô chỉ có thể tranh thủ buổi trưa, ngoài giờ hoặc cuối các buổi học. Như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian” – giáo viên một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) phân tích.

Việc học trò tự đánh giá, bình bầu lẫn nhau theo giáo viên này sẽ khó thực hiện vì trò chủ yếu dựa trên cảm tính, không công bằng.

Ông Hà Huy Giáp, trưởng Phòng GD tiểu học (Sở GD-ĐT Bắc Giang) cũng cho rằng, để thực hiện tốt Thông tư 30 cần sự nỗ lực và tâm huyết của giáo viên.

Một nội dung khác là việc ghi giấy khen không theo khuôn mẫu, cần linh hoạt cũng là khó khăn, nhất là trường đông đến cả nghìn học sinh. Hiện đa phần vẫn đang chờ chỉ đạo từ các phòng GD-ĐT rồi mới triển khai.

Ý kiến của không ít giáo viên cho rằng, việc khen trò tốt toàn diện hay khen thưởng từng mặt tích cực của học sinh thực chất không khác nhiều so với cho điểm trước kia.

“Nếu đánh giá không đạt, liệu các cháu có phải học lại không? Nếu không phải học lại thì câu không đạt chẳng còn ý nghĩa, còn đánh giá đạt cả thì bằng nhau hết” – một giáo viên khác ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

  • Văn Chung