Hezbollah chắc chắn là sẽ tấn công lại Israel và kéo Mỹ vào cuộc chiến với lực lượng du kích.
Iran phóng tên lửa Mehrab |
Đất nước từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh như Li Băng không hề muốn rơi vào một cuộc chiến nữa với Israel. Hezbollah không muốn làm cho các cử tri chính trị người Shiitle vốn chiếm ưu thế trở nên xa lánh họ. Nhưng quan hệ về mặt ý thức hệ và tài chính giữa các lãnh đạo hàng đầu của Tehran và Hezbollah có thể thắng thế so với các cân nhắc trên, đặc biệt là trong bối cảnh Israel hoặc cả Mỹ và Iran tấn công người đồng minh Iran của họ.
Các lãnh đạo Iran - trước nguy cơ bị mất đi người đồng minh sống còn là Syria khi quốc gia này rơi vào nội chiến - chắc hẳn không muốn mất thêm một đồng minh nữa khi đối đầu với Israel. Nhưng điều này còn chưa thể nào rõ. Các quan chức đương nhiệm cũng như đã về hưu của Mỹ gần đây nói trên tờ Washington Post rằng nếu như Israel tấn công Iran, mạng lưới Hezbollah trên toàn cầu sẽ phát động các cuộc tấn công khủng bố ác liệt hơn nữa nhằm vào nhà nước Do Thái. Một cuộc xung đột đa mặt trận sẽ trói cả Mỹ vào cuộc. Nếu như Israel bắt đầu cuộc chiến với Iran mà họ không thể nào kết thúc được, Israel sẽ có thể trút gánh nặng lên Mỹ khi mà họ phải đương đầu với Hezbollah ở khu vực biên giới.
Như Tổng thống Barack Obama nói hồi đầu năm nay: "Chúng ta kề lưng với Israel". Một mặt, hợp tác mang tính lịch sử - và đang được mở rộng - giữa Mỹ và Israel cho thấy một cam kết chắc chắn đối với an ninh của Israel. Mặt khác, bản chất khó đoán của bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào nói lên tầm quan trọng của chính sách ngoại giao của Mỹ đối với đồng minh của Iran là Hezbollah.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã huấn luyện và đào tạo cho Hezbollah kể từ đầu những năm 1980. Nhóm này sau đó đã tự trưởng thành, và tiến hành các cuộc tấn công sắc bén vào các đơn vị quân đội Israel. Ngày nay, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng Hezbollah mỗi năm nhận được 100-200 triệu USD cùng với vũ khí và các hỗ trợ, huấn luyện từ Tehran.
Dựa trên các dữ liệu lịch sử, khó có khả năng Hezbollah sẽ đứng ngoài lề (nếu Iran bị tấn công). Năm 1996, nhóm du kích này đã tiến hành tấn công vào Israel trên diện rộng cả ở mặt đất cũng như trên không với hàng trăm đợt nã pháo. Vào mùa hè 2006, sau vụ Hezbollah bắt cóc hai binh sĩ Israel, Bộ Quốc phòng Israel (IDF) đã tiến hành tấn công cả trên không và trên bộ vào Li Băng, Hezbollah đã sử dụng tín hiệu tình báo để phục kích các đặc công của Israel, và bắn hơn 4000 quả đạn pháo vào phía bắc Israel - đây là một trong những cuộc tấn công ác liệt nhất nhằm vào nhà nước Do Thái. Cả Israel và Hezbollah đều không giành được chiến thắng ưu thế nào trong cuộc đụng độ. Thế bế tắc giữa đồng minh của Mỹ và chiến hữu của Iran vẫn đứng trước nguy cơ lặp lại.
Hezbollah đã bước ra từ các cuộc tấn công du kích và chuyển sang các chiến dịch thông thường, nhóm này không chỉ đánh trúng vào các điểm yếu của Israel, mà còn mang lại cho Israel một cơ hội để sửa sai. Hezbollah có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công ồ ạt trên không và trên bộ của Israel. Tuy nhiên, các lãnh đạo ở Washington và Tel Aviv cũng có một trải nghiệm cay đắng vì đã đánh giá thấp đối thủ. Chuyên gia về khu vực này là Nicholas Noe đã gọi Hezbollah là "một trong những nhân tố thành công hơn mà Mỹ phải đương đầu khi không có nhiều thông tin về tiềm lực (của đối phương)".
Thực tế, hiện nay không hề có thống kê chính xác về các chiến thuật quân sự và tiềm lực của Hezbollah. Năm ngoái, Hezbollah đã phá thành công một mạng lưới điệp viên của CIA tại Li Băng, nhận diện và bắt giữ các điệp viên Mỹ cài vào hàng ngũ của Hezbollah. Mãi cho tới cuộc chiến năm 2006 thì nhiều người mới biết về nhóm du kích này.
Bộ Quốc phòng Israel đánh giá rằng Hezbollah sở hữu các tên lửa tầm xa đất đối không và các hệ thống phòng không sản xuất tại Nga. Thêm vào đó, họ còn nhận đình rằng nhóm này có khoảng 10.000 binh sĩ và khoảng 60.000-80.000 tên lửa và hỏa tiễn.
Hezbollah có thể khó tránh khỏi một cuộc tấn công ồ ạt cả trên không và trên bộ của Israel. Nhưng khả năng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ đẩy tình thế đến ngõ cụt điệu chiến vũ đều đáng lo ngại, không chỉ với Israel mà còn với Mỹ.
Suốt năm qua, các lãnh đạo Mỹ đã 'so găng' với Tehran về mặt ngôn từ trong khi không làm gì nhiều để đoan chắc rằng Israel miễn cưỡng phải phụ thuộc vào Mỹ. Việc gióng lên các hồi trống chiến trận có thể chỉ là một đòn 'tâm lý chiến'. Nếu như Israel tấn công Iran và các tên lửa Hezbollah rơi như mưa xuống đường phố Israel, Mỹ có thể sẽ rơi vào một cuộc xung đột với một nhóm du kích với tiềm lực mạnh mẽ và sức chiến đấu bền bỉ mà Washington gần như mù tịt về đối thủ.
- Lê Thu (theo GP)