Những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào thực phẩm thông dụng với lý do bảo vệ sức khỏe. Hậu quả là, ngành công nghiệp thực phẩm bị thiệt hại nặng trong khi tình trạng béo phì không thuyên giảm.
 
Ngành công nghiệp thực phẩm thiệt hại
 
Đường và chất béo nếu hấp thụ quá nhiều vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch…Những tác hại xấu này cũng chính là nguyên nhân mà Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cho các loại nước giải khát không cồn có ga, hay có thể gọi chung là nước ngọt. Ngoài lý do tăng ngân sách, Bộ mong muốn giảm tiêu dùng trong xã hội những loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu của nhiều chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực này lại cho thấy, ở chính những quốc gia đã từng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do kể trên, người tiêu dùng, DN và cả ngân sách trung ương đã chịu thiệt hại.
 
Đan Mạch là một ví dụ.

{keywords}

PGS. Rob Preece (Trung tâm nghiên cứu Hải quan về thuế vụ, trường ĐH tổng hợp Canberra), trong một bài viết đăng trên Tạp chí Hải quan thế giới cho biết: Kể từ ngày 1/10/2011 Đan Mạch đã áp “thuế chất béo”, một cách gọi nôm na của thuế tiêu thụ đặc biệt, với thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Theo đó, mỗi kg thực phẩm chứa 2,3% chất này trở lên, mức thuế là 16 Kroner (tương đương khoảng 2,9 USD). Điều này có nghĩa là mỗi miếng bơ nặng 250g, người tiêu dùng phải trả 2,2 Kroner (0,36 USD).
 
Việc áp thuế như vậy nằm trong một gói cải cách thuế của chính phủ Đan Mạch nhằm tăng thu ngân sách khoảng 200 triệu Euro và thay đổi chế độ ăn uống của người Đan Mạch, cải thiện tình trạng thừa cân béo phì.
 
Chính phủ Đan Mạch còn dự kiến đánh “thuế đường”, tức là thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho mọi hàng hóa chế biến có chứa đường như nước ngọt, mứt, nước sốt, sữa chua, dưa chua bao tử.
 
Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, khi “thuế đường” còn chưa chính thức ra đời thì “thuế chất béo” đã bị dư luận xã hội nước này phản đối dữ dội.
 
Ngày 10/11/2012, trong bản thông báo về việc bãi bỏ “thuế chất béo”, Bộ Tài chính Đan Mạch đã phải thú nhận rằng, họ đã bị chỉ trích nặng nề về tác động tới giá tiêu dùng, đặc biệt là đối với các gia đình có thu nhập thấp, làm tăng chi phí hành chính của DN và gây ra tình trạng mất việc làm cho người lao động.
 
Cụ thể, người dân Đan Mạch đã quay lưng lại với các thực phẩm vượt quá ngưỡng chất béo bão hòa của nước mình. Thay vào đó, họ tìm mua sản phẩm tương tự được miễn thuế ở nước láng giềng là Đức. Các nhà sản xuất thực phẩm Đan Mạch bị thua lỗ nặng nề, giảm sút lợi nhuận.
 
Người ta ước tính, việc tăng giá trong nước và mua sắm qua biên giới thực phẩm tương tự như vậy đã đẩy 1.500 đến 2.400 lao động trong ngành thực phẩm Đan Mạch vào nguy cơ mất việc trong ngắn hạn. Và nếu “thuế đường” được áp dụng, sẽ có thêm 700 đến trên 1.000 lao động thất nghiệp.
 
Lợi bất cập hại
 
Trong tài liệu Cập nhật Thông tin về Tình trạng Béo phì năm 2012, OECD e ngại rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên các sản phẩm như nước ngọt đôi khi gây những hậu quả không mong muốn.
 
Chẳng hạn, người tiêu dùng sẽ cắt giảm các thực phẩm bổ dưỡng khác để dành tiền mua các loại đồ uống khác thay thế, không bị đánh thuế. Trong khi đó, những loại đồ uống hay thực phẩm thay thế này lại có thể có lượng calo và hàm lượng đường giống hệt hoặc thậm chí cao hơn, chẳng hạn, như dùng nước hoa quả có đường, nước uống tăng lực hoặc sữa có hương vị.
 
Khi đó, mong muốn về tác dụng của chính sách thuế với ý nghĩa tăng cường bảo vệ sức khỏe người dùng lại có tác dụng ngược lại.
 
OECD cũng cho hay, ở những tiểu bang của Hoa Kỳ có đánh thuế đối với nước ngọt, thì các loại thuế  này hầu như chẳng ảnh hưởng gì tới tình trạng thừa cân hoặc béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên tại đây. Trong khi, đó chính là các mục tiêu tác động dự kiến của chính sách.
 
Phần Lan là quốc gia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt từ những năm 40, với lý do tăng doanh thu trên những sản phẩm được coi là ‘xa xỉ’. Thế nhưng sau đó, năm 2011, cộng thêm lý do bảo vệ sức khỏe, nước này đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 66% và áp dụng cho cả kẹo và kem. Nhưng các loại thực phẩm ngọt khác như bánh ngọt, bánh quy vẫn được miễn thuế. Thế mà đến nay tỷ lệ béo phì ở Phần Lan vẫn tiếp tục tăng.
 
Tác giả Rob Preece đã kết luận: “biện pháp y tế” theo cách thức trên đã trở nên vô nghĩa. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy, “lỗi” của các nhà soạn thảo là đã bỏ qua phản ứng của người tiêu dùng và đây chính là nguyên nhân gây ra thất bại của chính sách thuế này.
 
Thuế Tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Các hãng nước ngọt trong nước thì đang lo ngại về một tương lai kể trên.
 
Phạm Huyền (theo Tạp chí Hải quan thế giới tập 1, số 7)