Sinh ra ở làng Ngò (Hà Nam), nơi có chiếu chèo nổi tiếng, Lê Thế Song trải qua thời thơ ấu thấm đẫm những tích cũ, trò diễn dân gian. Mối duyên sáng tác chèo được khởi phát từ những ngày anh viết bài hát cho đội chèo của làng, xã. Sau này, anh nên duyên với chị Xuân Hồng - con gái cố tác giả Hoàng Luyện, người từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Được chị khích lệ, anh có những sáng tạo và theo đuổi đam mê.

Tác giả kịch bản Lê Thế Song.

Hai vợ chồng Lê Thế Song từng làm cho tổ chức phi chính phủ, chuyên về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tố tài năng, đào tạo thành những nòng cốt văn nghệ phục vụ chính cộng đồng. Từ công việc này, Lê Thế Song biết thêm nhiều câu ca, điệu hát, tích trò… ở những vùng quê từng đặt chân đến. Tâm nguyện "muốn làm gì đó cho nghệ thuật truyền thống" thôi thúc anh viết nhiều kịch bản, dàn dựng nhiều chương trình phục vụ người dân thôn quê.

Gắn bó nhiều năm với công việc này, Lê Thế Song cùng bà xã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Những chuyến đi ấy giúp anh có thêm trải nghiệm và đến gần hơn với di sản văn hóa quý báu của ông cha. Vốn di sản ấy tích lũy ngày càng dày, thôi thúc anh nghĩ đến những điều lớn lao hơn.

Đến nay, Thạc sĩ Lê Thế Song có gần 50 tác phẩm sân khấu từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, được dàn dựng tại nhiều nhà hát chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều vở diễn giành giải Vàng, Bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp như: Dâu bể một kiếp tằm, Thượng thiên thánh Mẫu, Tình sử Thăng Long, Thiên duyên huyền tích... Lê Thế Song bảo đó là “vốn quý” khi anh bén duyên và nỗ lực sáng tạo nghệ thuật theo kim chỉ nam: “Gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại”.

Cảnh trong vở Thượng thiên thánh Mẫu.

Không những thế, Lê Thế Song còn thành công với vai trò biên kịch những sự kiện lớn như: SEA Games 31, Lễ hội hoa Đà Lạt 2023, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023, hay tổng đạo diễn chương trình Lễ công bố quyết định ghi danh "Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội năm 2023. Sau sự kiện, UBND huyện Văn Yên đã trao tặng bằng khen cho Lê Thế Song và ê-kíp thực hiện.

Chia sẻ về sự kiện lớn này, Lê Thế Song cho biết, nhờ “nguồn vốn” về văn hóa truyền thống tích lũy nhiều năm, anh không bị "ngợp" khi đảm nhận vai trò tổng đạo diễn những chương trình lễ hội văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Anh khéo léo đan xen giữa văn hóa truyền thống với hiện đại trong các chương trình nghệ thuật.

“Tôi thực hiện chương trình với ý nghĩa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn, đồng thời có những tư duy hiện đại trong dàn dựng, vũ đạo, âm nhạc và hiệu ứng ánh sáng, song vẫn đảm bảo sự kế thừa truyền thống, đúng nghi lễ trang nghiêm và giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt”, Lê Thế Song chia sẻ.

Để chương trình mang tính sử thi, ấn tượng và ca ngợi sự đổi mới vùng đất quế Văn Yên, Lê Thế Song nghiên cứu, khảo sát thực tế, tìm hiểu văn hóa dân gian các dân tộc Văn Yên (Yên Bái) và nghi lễ Múa Then người Tày độc đáo trong lễ rước Mẫu...

Đặc biệt, cùng với những tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, Lê Thế Song thường có những sáng tác riêng cho mỗi lễ hội. Nhờ đó, mỗi lễ hội do anh viết kịch bản hoặc biên kịch kiêm tổng đạo diễn đều có dấu ấn, bản sắc riêng, câu chuyện nghệ thuật riêng, mới lạ, hấp dẫn, không trùng lặp.

Như với lễ hội Đền Đông Cuông, anh sáng tác tác phẩm Đông Cuông mở hội đền thiêng mang âm hưởng dân gian hòa quyện giữa chèo và chầu văn. Với chương trình nghệ thuật khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam, anh lại sáng tác một ca khúc rap trẻ trung sôi động Hà Nam bừng sáng.

 

Tác giả Lê Thế Song và NSND Tự Long nhận giải thưởng của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Lê Thế Song mê dựng chương trình cho các lễ hội, bởi đó là cách anh lan toả những giá trị văn hoá của cha ông. Tất nhiên, sân khấu là thánh đường anh vẫn luôn đau đáu trong giấc mơ. ''Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với đạo diễn, NSND Tự Long dàn dựng vở chèo về đề tài chiến tranh cách mạng, chiến tranh biên giới…'' - anh nói. 

Anh chia sẻ: “Nghề đạo diễn rất khó bởi không thể làm việc đơn lẻ mà với nhiều người cùng cá tính khác nhau, phải làm sao để kích thích niềm cảm hứng sáng tạo cho họ và khó hơn là để mọi người tin mà đồng hành trên con đường sáng tạo với mình. Ðiều quan trọng nhất là phải ý thức rõ về trách nhiệm và bổn phận đối với công việc, không vì tiếng tăm, thương hiệu mà vì khán giả và những người tin tưởng trao chương trình cho mình. Tất cả cùng vì chương trình để lại dấu ấn và cảm xúc, mang tới giá trị trong đời sống tinh thần và nhận thức của người xem”.