Gặp Hoàng Mập đơn giản với nụ cười hào sảng, mái tóc rối, chiếc ca táp cũ và bộ đôi “quần ngố - dép lào” quen thuộc, hiếm ai tin được rằng, đây lại chính là sếp lớn - là ông chủ của hãng phim “Hoàng Thần tài” - đơn vị đã và đang sản xuất hàng chục bộ phim truyền hình lớn nhỏ giữa thời buổi thị trường phim ở TP.HCM gặp khá nhiều khó khăn như hiện nay.

Không ngủ quên trong thành công nhất định của “Nhà ông Hoàng có ma” (sản xuất năm 2017 - Top 3 giải Ngôi sao xanh),  gần như ngay sau khi phim phát sóng, Hoàng Mập đã trực tiếp bắt tay vào làm tiếp dự án “Nhà ông Hoàng có vàng” cùng nghệ sĩ Việt Hương. Đặc biệt, từ khâu lên kịch bản, tiến hành sản xuất cho đến vai trò đạo diễn, liên hệ bối cảnh, diễn viên, hậu cần… rồi đến tận giai đoạn hậu kỳ, tất cả đều có bóng dáng của nhà sản xuất “lắm chiêu” này.

{keywords}
 

“Nhà ông Hoàng có vàng” là một câu chuyện bí ẩn, đầy bi kịch của gia tộc Bùi Hoàng giàu có những năm 50 thuộc thế kỷ trước. Câu chuyện phim gây bất ngờ khi cảnh mở đầu chính là lúc mợ Tư Mỹ Hòa (Khánh Trinh) trong trang phục cô dâu bước ra từ cỗ quan tài dưới con mắt soi mói của hàng chục người trong gia tộc họ Bùi, mà sâu thẳm trong mỗi đôi mắt ấy đều mang một tâm tư và toan tính khó dò.

Vốn đã có đến ba người vợ nhưng người nhà họ Bùi vẫn dụng tâm cưới thêm cho ông Bùi Hoàng - đang trong cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh - cô vợ trẻ thứ tư chỉ với mục đích xung hỷ cho gia tộc và “biết đâu” điềm lành này sẽ giúp ông tai qua nạn khỏi. Thế nhưng mọi việc người tính cũng không bằng trời tính, chính mợ Tư cùng nhiều kẻ khác không thể ngờ rằng cuộc đời của họ từ đây chính thức bị gắn vào lời nguyền chết chóc của hũ vàng truyền kiếp.

{keywords}
 

Với “Nhà ông Hoàng có vàng”, đạo diễn Hoàng Mập từng nhận định, đây là một bộ phim mang nhiều thử thách đối với anh.

Đầu tiên phải nhắc đến là vấn đề kịch bản. Một bộ phim không có nhân vật chính hữu hình, hay chính xác hơn phải nói rằng không có ai không phải là nhân vật chính, mỗi nhân vật đều có câu chuyện của riêng họ và trong câu chuyện đó ít nhiều ta đều một lần bắt gặp hình ảnh của “hũ vàng”. Và nhiệm vụ quan trọng nhất của biên kịch cũng như đạo diễn là làm sao để gắn kết, tạo ra mối liên hệ giữa các nhân vật trùng trùng lớp lớp đó với nhau, có điểm nhấn, có cao trào kịch tính nhưng không làm mờ đi nội dung ý nghĩa ban đầu mà bộ phim muốn phản ánh.

Thử thách thứ hai là về phần bối cảnh câu chuyện xảy ra vào những năm 50 thuộc về thế kỷ trước, chính vì vậy bộ phận thiết kế bối cảnh lẫn phục trang phải chăm chút đến từng chi tiết đồ vật như bàn, ghế, quần áo, bông hoa… cũng phải đúng theo phong cách thời xưa.

Đặc biệt, trong phim có xuất hiện phân cảnh mợ Tư - Mỹ Hòa được cưới về từ cỗ quan tài. Để quay phân cảnh này, ekip phim sử dụng một cỗ quan tài… thật. Và phải nói rằng việc làm này khá kiêng kị, để tránh khó khăn và ảnh hưởng đến ekip, phân cảnh quay có cỗ quan tài chỉ được bắt đầu vào đêm khuya và quay vỏn vẹn trong vòng hai ngày.

{keywords}
 

Song song cùng thử thách về kịch bản và bối cảnh phục trang, việc xây dựng nhân vật cô Tư - Mỹ Hòa (Khánh Trinh) cũng là một thử thách khó mà đạo diễn Hoàng Mập phải trải qua. Theo kịch bản ban đầu, mợ Tư - Mỹ Hòa là một cô gái trong sáng hiền lành có xuất thân con nhà gia giáo. Vì dòng đời xô đẩy, cô vô tình bị cuốn vào rồi chìm trong những âm mưu và thủ đoạn toan tính của người nhà ông Bùi Hoàng.

Từ một cô gái ngây thơ, Mỹ Hòa trong phút chốc bị vùi dập rồi mất đi đứa con mình yêu thương nhất khiến mợ Tư trở nên căm thù mọi thứ. Hai giai đoạn như hai con người khác hẳn và diễn viên Khánh Trinh đã làm tốt việc khắc họa hình ảnh của mợ Tư - Mỹ Hòa giai đoạn đầu, ở phần sau câu chuyện, đạo diễn Hoàng Mập cho rằng cô còn non nghề và anh cần phải can thiệp nhiều hơn trong việc chỉ đạo diễn xuất.

“Nhà ông Hoàng có vàng” đang được phát sóng trên SCTV14 - Kênh Phim Việt và lúc 19h45 từ ngày 31/10/2019.

Doãn Phong