Gốc loại “vip” dao động từ 30 tới 50 triệu, loại “sang” khoảng 10 triệu, loại “xoàng” tầm 1 tới 5 triệu đồng. Nếu ế thì vài trăm một gốc.

Giá đào không tăng so với năm ngoái

Ra Tết khoảng 1 tháng, người làng Nhật Tân lại bắt tay vào mùa vụ mới. Thường thì chủ vườn phải “săn giống” và đặt hàng trước cả tháng trời ở Lạng Sơn, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai…

Tùy từng loại mà giá thường dao động từ 5 trăm nghìn tới 10 triệu đồng/1 gốc giống. Sau khi hạ cây xuống vườn, chủ vườn thực hiện cắt bỏ cành, chăm bón tái tạo lại gốc.

Để có một gốc đào đẹp và thế lạ buộc người nông dân phải có kỹ thuật chăm bón và sự cần cù chịu thương, chịu khó: nhặt cỏ, bón phân, tưới nước, cắt tỉa tạo dáng,… quanh năm ngày tháng. Vốn và công sức đầu tư trong suốt một năm được người làm đào Nhật Tân dồn hết hi vọng vào đợt thu hoạch cuối năm.

Do kinh tế suy thoái nên thị trường đào Tết năm nay vẫn chưa sôi động trở lại. Chủ vườn Đạt Hảo tâm sự: “Theo kinh nghiệm, vào thời điểm hiện tại, chưa thể chắc chắn đào năm nay được mùa. Nhưng có một điều chắc chắn là giá đào năm nay cũng sẽ không tăng nhiều so với năm ngoái. Gốc loại “vip” dao động từ 30 tới 50 triệu, loại “sang” khoảng 10 triệu, loại “xoàng” tầm 1 tới 5 triệu đồng. Nếu ế thì vài trăm một gốc. Vô giá, lỗ cũng phải bán”.

{keywords} 

Mặt khác, chi phí thuê nhân công, thuốc trừ sâu, phân bón,… đều tăng. Đơn cử như chi phí đầu tư gốc ban đầu, giá đội lên một tới hai giá. Phân bón cho đào thường là phân hữu cơ đặt mua bên Đông Anh cũng tăng theo giá xăng. Giá thuốc trừ sâu tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu/ 3 sào vườn đào/ 1 đợt - ông Chu Văn Đạt chia sẻ thêm.

Chỉ vào gốc đào cổ thụ cạnh chỗ tôi đứng cao 3m, đường kính chừng 30 - 40cm, ông Đạt khoe hốc cây này là giống từ Hòa Bình, vốn bỏ ra mua gốc là 10 triệu, được chăm tại vườn từ đầu năm 2012. Năm nay cây đâm tán có thế, có lộc. Nếu được khách thì ông sẽ ngã giá chừng 50 triệu đồng. Nhưng khó khăn thì 30 triệu cũng phải bán vì tuổi thọ của đào rất thấp, nay sống mai chết.

{keywords}

Nắm bắt được tâm lý cắt giảm chi tiêu thời buổi kinh tế “đuối sức”, thay vì đầu tư vào đào gốc và đào thế, nhiều chủ vườn chuyển sang chăm chút cho loại đào dăm (loại đào cành).

Mọi năm, vào thời điểm này, hầu hết các thương lái, “dân sành chơi” và khách quen đã tới vườn chọn và đặt cây. Nhưng năm nay, lượng khách đặt có xu hướng giảm, chỉ bằng ½ so với năm ngoái.

Phập phồng chờ Tết

Chủ vườn đào Hiệp Hòa, cụm 1, Nhật Tân, Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: Gọi đây là giai đoạn cuối nhưng chưa phải là kết thúc. Trồng đào cảnh cũng như nuôi con thơ vậy, chúng tôi phải ăn ngủ tại vườn để chăm chút cây, tùy thuộc vào thời tiết để có phương án “hãm” hoặc “thúc” hoa bật nụ đúng dịp Tết.

Vất vả cùng rủi ro, người dân nơi đây ví von nghề trồng cây cảnh như “đánh bạc với trời”. Cả một năm đầu tư công sức chăm sóc, tiền bạc, phân bón,… được hay mất, lỗ hoặc lãi, thắng và thua, khoảng cách cứ mong manh, phụ thuộc 80% vào thời tiết.

Mặc dù khí hậu năm nay đang diễn biến theo chiều hướng thuận lợi, nhưng người nông dân Nhật Tân vẫn ăn không ngon, ngủ không yên, thấp thỏm lo thời tiết thay đổi bất ngờ.

Cô Nguyễn Thị Hòa, chủ vườn đào rộng gần 2000 m2 tâm sự: “Gia đình tôi làm để giữ nghề truyền thống của cha ông và tận dụng quỹ đất, không bao giờ nghĩ là làm giàu nhờ vào cây đào. Từ giờ tới tết mà có một đợt rét đậm, rét hại là vốn liếng và công cán sẽ hòa hoặc thậm chí là lỗ. Lúc nào cũng phập phồng lo âu”.

Theo Sonha