Có tiềm năng nhưng chưa được khai thác vì không có người làm
Mới đây, trong một hội nghị tổng kết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) tâm tư, ngành du lịch cộng đồng hay du lịch nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng chưa được khai thác do chưa có cơ chế, chính sách, đề án cụ thể và nhiều người dân bản địa không biết làm.
Ông Tiến cho hay, thời gian qua, chúng ta đã bổ sung danh mục nghề cần dạy để nông dân có thể khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng, thế nhưng mới chỉ đơn thuần loanh quanh nghề nấu ăn, nghề dọn dẹp phòng ốc, hướng dẫn viên du lịch… Những kỹ năng mềm cần thiết để nông dân có thể tham gia làm du lịch một cách chuyên nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Gần đây, du lịch nông nghiệp ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước. Loại hình du lịch nông nghiệp ở nước ta phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp.
Điều đáng quan tâm là thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, lao động nông thôn sẽ có cơ hội góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời có mức thu nhập cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần túy.
Các chuyên gia cho rằng lao động nông thôn cần được dạy kỹ năng làm du lịch nông nghiệp để phát huy được lợi thế này tại các vùng quê ở nước ta |
Theo báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, đóng góp cho kinh tế mỗi địa phương.
Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Người nông dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch.
Dạy lao động nông thôn kỹ năng làm du lịch
Ông Tiến khuyến nghị, muốn phát triển được du lịch nông nghiệp cần phải dạy đội ngũ lao động nông thôn kỹ năng marketing cho sản phẩm du lịch của họ, dạy họ cách làm du lịch nông nghiệp cần có gì, cách thức đa dạng hóa các tour du lịch nông nghiệp...
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT) cũng nhận thấy, để phát triển được du lịch nông thôn, việc đầu tiên cần là dạy nghề cho nông dân. Ông chia sẻ, Bộ NN-PTNT đang triển khai đề án dạy nghề gắn mỗi phường, xã một sản phẩm. Theo đó, mỗi địa phương sẽ tìm ra một thế mạnh phát triển kinh tế để tập trung dạy nghề.
Ví như ở Sapa lâu nay được biết đến như một thị trấn giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch nông nghiệp, văn hóa là đặc trưng, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nơi đây. Song, ông Thịnh cho rằng, để tiếp tục khai thác lợi thế này, địa phương phải xây dựng một chiến lược dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Với lao động nông thôn ở những vùng quê này, theo ông Thịnh, khi đào tạo nghề cần đặc biệt chú ý đến kỹ năng mềm trong làm du lịch, kỹ năng tiếp thị sản phẩm du lịch của mình có… Từ đó mới thu được lượng du khách trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia trong ngành, tại các địa phương hiện nay dù đã có đề án dạy nghề cho lao động nông thôn nhưng đa phần các chương trình dạy nghề vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở mỗi vùng miền. Rất nhiều vùng quê có lợi thế để làm du lịch nhưng địa phương lại không biết tận dụng, nông dân phải làm du lịch tự phát nên cách làm du lịch thiếu bài bản, không chuyên nghiệp. Do đó, cần có chiến lược và chính sách dạy nghề bài bản, khoa học, xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và người dân.
Châu Giang