Đào tạo theo phương châm “cầm tay chỉ việc”

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn lên tới trên 80%, trong đó lao động trong ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 60% lao động của tỉnh. Do đó, giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, người khó khăn được quan tâm. 

Việc đào tạo nghề ở nhiều địa phương trong tỉnh Tuyên Quang được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Cùng với đó, đào tạo nghề theo nhu cầu của người học cũng được gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Bà Lý Thị Hải Hiền – Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua 8 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (từ năm 2010-2018), tỉnh đã dạy nghề được cho gần 75.000 lao động nông thôi. Riêng năm 2019, đã có trên 8.000 lao động nông thôn được dạy nghề. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 lên trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.

{keywords}
Ở xã Phúc Ninh, nhiều hộ nông dân trở thành điển hình sản xuất kinh tế giỏi sau khi dạy nghề

Cũng theo bà Hiền, trong giai đoạn 2010-2018, có gần 5.000 người thoát nghèo nhờ được dạy nghề tạo việc làm. Năm 2019, số người thoát nghèo nhờ được dạy nghề ước khoảng 550 hộ, số người có thu nhập khá khoảng gần 1.400 người.

Tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó qua đào tạo nghề trên 37%; tạo việc làm cho trên 100.000 lao động. Theo đó, trong quá trình đào tạo nghề nông thôn cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề găn với giải quyết việc làm tại chỗ; tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời tăng cường đội ngũ giảng viên dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, chú trọng đào tạo nghề đối với lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thành điển hình sản xuất giỏi nhờ được dạy nghề

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội tỉnh Tuyên Quang, việc đào tạo chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm; số lao động có tay nghề cao còn ít; việc gắn đào tạo nghề với tạo việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người lao động. Nội dung đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp thực tế địa phương, nhu cầu doanh nghiệp và lao động tại cơ sở.

Song, trên thực tế, tại nhiều địa phương công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự phát huy hiệu quả. Điển hình như ở thôn Lục Mùn xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang). Địa phương này được coi là điểm sáng trong đào tạo nghề khi có hàng chục lao động nông thôn nhờ được dạy nghề giờ đã có công ăn việc làm ổn định, trở thành điển hình sản xuất kinh tế giỏi của địa phương.

Ông Vũ Ngọc Đình (59 tuổi) ở thôn Lục Mùn là một trong 33 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của toàn xã Phúc Ninh. Ông từng là học sinh xuất sắc của lớp học nghề trồng cây ăn quả.

Ông Đình cho biết, gia đình ông có truyền thống trồng cây ăn quả, nhưng thường canh tác theo kiểu tự phát nên năng suất và chất lượng không đảm bảo. Từ năm 2017, sau khi được tham gia lớp học nghề dạy trồng trọt của Hội Nông dân huyện tổ chức, ông Đình đã biết áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật nhân giống, cấy ghép, chiết cành… cũng như cách chăm sóc vào sản xuất. Sản lượng, chất lượng và chuỗi giá trị cũng cao hơn hẳn.

“Hiện nay, với 3ha diện tích đất vườn trồng bưởi ngọt, bưởi da xanh, bưởi đường, gia đình ông thu nhập khoảng 600-700 triệu đồng/năm”, ông khoe và cho biết, những năm gần đây ông còn tham gia vào chương trình hỗ trợ chuyển giao gióng, kỹ thuật, cách chăm sóc cây ăn quả cho bà con nông dân khác trong vùng để cùng nhau làm giàu.

Chủ tịch Hội nông dân xã Phúc Ninh Nguyễn Đức Quân cho biết, toàn xã hiện nay có hơn 1.440 hộ thì có tới gần 1.000 hộ trồng cây ăn quả và có tới hơn 60% lao động trong hộ từng được tập huấn kỹ thuật hoặc được dạy nghề. Nhờ trồng cây ăn quả mà đời sống bà con khá giả lên trông thấy, thu nhập hộ không dưới 300 triệu đồng/hộ, nhiều hộ doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Ông Đinh Văn Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn thông tin, toàn huyện có hơn 3.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.000ha cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Để phát triển hơn nữa về trồng cây ăn quả, từ đầu năm 2019 tới nay huyện đã kết hợp với nhiều đơn vị tổ chức mở 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, trong đó 90% trong tổng số lớp là dạy nghề trồng trọt cây ăn quả. Các mô hình dạy nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGap được nhiều nông dân lựa chọn, đăng ký theo học. Đáng chú ý, 100% các lớp dạy nghề đều được xây dựng dựa trên nhu cầu người học và thế mạnh của địa phương, ông Hậu cho hay.

Châu Giang