Vùng Tây Bắc với 14 tỉnh và 21 huyện phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng biên giới.

Triển khai Đề án 1956, các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” từ cấp tỉnh đến xã và xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập trung tâm dạy nghề tại các huyện; hằng năm rà soát số LĐNT có nhu cầu học nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể.

Do vậy, nhiều LĐNT ở những tỉnh này được tham gia các lớp tập huấn, chương trình đào tạo nghề, như: Tuyên Quang hơn 35 nghìn LĐNT được đào tạo nghề; tại Yên Bái hơn 29 nghìn LĐNT; Sơn La hơn 20 nghìn LĐNT; Hà Giang chỉ từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo nghề ngắn hạn dưới ba tháng cho gần 30 nghìn LĐNT.

Các nghề đào tạo chính gồm: lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lương thực, thực phẩm; bảo vệ thực vật; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; chọn và nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng nấm) và lĩnh vực phi nông nghiệp (sửa chữa máy nông nghiệp; điện dân dụng; nề hoàn thiện; may thời trang; mây, tre đan; thêu ren kỹ thuật; làm chổi chít).

{keywords}
Xín Mần phát triển nghề trồng mướp đắng rừng

Nhằm tạo điều kiện cho LĐNT có điều kiện tham gia học nghề, ngoài thực hiện nghiêm các chính sách của Nhà nước theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT, các cơ sở đào tạo nghề còn tổ chức lớp học nghề ngay tại các xã, giúp cho học viên thuận tiện trong việc ăn ở, đi lại.

Hầu hết số LĐNT sau khi học nghề ngắn hạn làm việc đúng nghề ngay tại địa phương, biết áp dụng kiến thức để tạo việc làm, tăng thu nhập. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, người học nghề biết áp dụng kiến thức, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, thu nhập. Hiệu quả của đào tạo nghề nông thôn đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.

Bảo Anh