Đặt câu hỏi với mười người đã hoặc đang công tác trong ngành y tế nước nhà: “Chất lượng bác sĩ ra trường hiện nay có đi xuống so với thời trước hay không?”, người viết nhận được câu trả lời “có” từ bảy người, “khó trả lời vì không có căn cứ so sánh” từ những người còn lại mặc dù hai trong số họ cho rằng về mặt cảm tính dường như… có đi xuống!

Bài 1: Chạy theo chỉ tiêu... bác sĩ

Sinh viên y khoa tranh thủ thực tập tại hành lang khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhưng theo một số sinh viên như thế vẫn còn tốt chán vì ở các bệnh viện sản họ chỉ được nhìn chứ không được làm! Ảnh: Thanh Hảo

Chạy theo chỉ tiêu

T., trưởng khoa tim mạch một bệnh viện công lập ở TP.HCM có lần than thở: “Thật tình tôi không biết các bác sĩ hiện nay được đào tạo thế nào mà ra trường thì rất lơ mơ, hỏi cái gì cũng không biết”.

DS Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, lại chia sẻ: “Các bác sĩ trẻ ra trường đều là đa khoa, khi về đây họ đều phải được bệnh viện đào tạo lại ít nhất một năm, nếu không thì rất khó làm việc”. Đúng là không thể không đào tạo cho những bác sĩ này vì theo N., một bác sĩ sản khoa lâu năm, họ quá yếu tay nghề, từ giao tiếp với bệnh nhân cho đến thăm khám. “Thậm chí có người đặt mỏ vịt khám bệnh nhân cũng không xong!”, bác sĩ N. nói.

Bỏ công đi tìm hiểu, người viết phải thừa nhận rằng với cách đào tạo bác sĩ “chạy theo chỉ tiêu” như hiện nay, chất lượng đầu ra đi xuống là điều hiển nhiên.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, TS Thái Hồng Hà, trưởng phòng quản lý đào tạo đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, lo âu vì chưa bao giờ nhà trường phải nhận sinh viên nhiều như bây giờ. Thật vậy, nếu trong nhiều năm đầu tiên trường chỉ đào tạo 100 sinh viên y khoa/khoá, thì cách đây bốn năm trường phải tăng lên 230, rồi 420 và mới nhất năm nay là… 620 sinh viên!

TS Hà nói: “Nghe nói năm tới chúng tôi phải nhận vào đến 800 sinh viên. Chỉ tiêu đào tạo bác sĩ tăng vọt vì UBND TP.HCM đặt mục tiêu phải có 15 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 để bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Nhưng sinh viên y khoa không phải vào trường học như các ngành khác, nhận vào quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ luỵ khác nhau”.

Thực tập kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”


Tăng chỉ tiêu đào tạo, nhưng cơ sở vật chất lại không tăng theo, nên sinh viên lãnh đủ. Q., sinh viên năm thứ hai đại học Phạm Ngọc Thạch, than thở: “Giảng đường chỉ đủ chỗ 200 người, nhưng nay phải chứa gấp đôi thì quá khủng khiếp”. Đâu phải ở trường này, tại đại học Y dược TP.HCM, giảng viên lẫn sinh viên cũng khổ sở vì tình trạng giảng đường quá tải. TS Đỗ Nguyên Tín, giảng viên bộ môn nhi của đại học này, nói: “Là giảng viên, nhưng đến giờ giải lao tôi không còn có chỗ để ngồi huống chi là sinh viên”.

Thiếu thật hay giả?

Tăng cường đào tạo y khoa là nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ hiện nay ở TP.HCM để đáp ứng mục tiêu 15 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015, trong đó 100% trạm y tế phải có ít nhất một bác sĩ. Nhưng TS Đỗ Nguyên Tín lại có cách nhìn khác: “Tôi đã gặp nhiều bác sĩ trẻ, ra trường làm việc một thời gian rồi chán nản đi làm trình dược viên cho hãng dược, thật uổng công sức đào tạo. Vấn đề không phải là tăng số lượng đào tạo, mà là tăng chất lượng và quan tâm đến bác sĩ trẻ khi ra trường để họ gắn bó với công việc. Cách đây vài năm xã hội đã báo động thiếu hụt điều dưỡng, rồi hàng loạt trường ồ ạt đào tạo điều dưỡng để rồi hiện nay xảy ra tình trạng dư thừa. Nhiều em điều dưỡng xin vào bệnh viện làm nhưng bị từ chối vì năng lực quá kém”.

Nhưng thiếu chỗ cho sinh viên thực tập mới đáng quan tâm vì học y khoa cần nhất là được thực hành trên người bệnh, nếu không được thực hành đầy đủ, bác sĩ trẻ ra trường hoàn toàn có thể gây hại cho bệnh nhân. Mỗi sáng trong tuần, đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM hiện nay người ta dễ dàng bắt gặp cảnh sinh viên chen chúc nghe giảng và thực hành trong những phòng bệnh vốn dĩ đã chật chội và quá tải.

Theo BS Phạm Thanh Hải, phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện là nơi thực tập của hai trường Phạm Ngọc Thạch và Y dược TP.HCM với số lượng khoảng 460 sinh viên đại học, chưa kể 150 đối tượng bác sĩ học chuyên khoa, cao học, nghiên cứu sinh, nội trú và 600 học sinh điều dưỡng, nữ hộ sinh!

Dĩ nhiên số người học rải đều quanh năm học, nhưng những ai đặt chân đến bệnh viện chứng kiến sự quá tải bệnh nhân thì mới biết học tập trong điều kiện như thế thì làm sao bảo đảm chất lượng.

H.S., sinh viên năm thứ sáu đại học Phạm Ngọc Thạch, không giấu giếm: “Nói thật ở các môn như sản khoa, nội khoa bọn em đi học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vì có quá nhiều người học cùng lúc trong khi bệnh nhân lại thường không cho sinh viên hỏi bệnh hay thăm khám. Bọn em chỉ còn biết “nhìn” chứ không “làm” được gì”.

Trao đổi với chúng tôi, TS Thái Hồng Hà thừa nhận tình trạng quá tải sinh viên đang gây nhiều khó khăn cho nhà trường trong đào tạo. Để có chỗ dạy lý thuyết, trường dự kiến đi mượn giảng đường lớn của các đại học khác; còn để có chỗ cho sinh viên thực tập, trường tính đến việc đưa sinh viên đến các… bệnh viện tuyến dưới.

(Theo Phan Sơn/ Sài gòn Tiếp thị)