Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng vừa có Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tình hình cơ bản ổn định
Báo cáo nhận định, trong 6 tháng đầu năm tình hình thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ bé, hạ tầng kinh tế xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ, đặc biệt đại dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao...
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các Sở Ban ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vừa đảm bảo sức khỏe của người dân, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Phụ nữ Lô Lô với nghề thêu thủ công |
Do đó, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn ổn định, các chính sách đầu tư, chính sách xóa đói, giảm nghèo đã ngày càng nâng cao mức sống cho đồng bào các DTTS, làm chuyển biến về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Việc phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện một số chính sách dân tộc năm 2021(Quyết định 771/QĐ-TTg; Quyết định 12/QĐ-TTg...) đảm bảo kịp thời gian và đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát chỉ đạo giữa các cấp được tiến hành thường xuyên đảm bảo dự án được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.
Các chính sách được đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg chính sách về y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học sinh, sinh viên, chế độ tuyển dụng công chức, viên chức là người DTTS, hỗ trợ thông tin cho đồng bào DTTS... được tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời.
Nhờ đó đã giúp cho chất lượng đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt nhất là các hộ nghèo dần thấy được trách nhiệm của gia đình, cần tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên vượt nghèo, hạn chế được tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước và cấp trên, dần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.
Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện công tác dân tộc như:
Công tác phân định khu vực theo trình độ phát triển vùng DTTS và miền núi, xác định thành phần dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Từ đầu năm đến nay diễn biễn dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường tuy là tại các địa phương ngoài tỉnh nhưng cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội gây tâm lý lo ngại đối với người dân... Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh...
Đến thời điểm hiện tại các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng gia phát triển sản xuất, kinh tế, thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn tạm nghỉ, các đơn vị sản xuất hàng hóa, thi công công trình hoạt động không theo kế hoạch nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc....
Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 126 xã Khu vực III, 6 xã khu vực II, 29 xã khu vực I. Tuy nhiên đối với các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK thuộc quyết định 582/QĐ-TTg hiện nay đã ra khỏi diện được thụ thưởng các chính sách trong năm 2021 kể từ thời điểm Quyết định 861/QĐ-TTg có hiệu lực.
Do đó việc dừng thực hiện hỗ trợ dẫn đến gây những khó khăn, xáo trộn ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong việc thực hiện các chính sách và phối hợp với các sở ngành liên quan lúng túng trong hướng dẫn thực hiện hỗ trợ các chính sách trong vùng đồng bào DTTS năm 2021 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhất là tại các vùng đồng bào DTTS công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn vì trình độ dân trí thấp; đội ngũ cán bộ am hiểu biết tiếng đồng bào các DTTS đặc biệt ít người (Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ...) còn hạn chế...; đa số người nghèo chưa nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó còn mang nặng tâm lý ỷ lại,...
V.v...
Phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở Cao Bằng |
Để xử lý các tồn tại, hạn chế trên, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đề ra một số phương hướng, giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Tổ chức thực hiện những giải pháp ứng phó tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành gắn liền việc xây dựng các kế hoạch chi tiết, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, chính sách dân tộc góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" của tỉnh.
Chú trọng đến công tác đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí một cách rộng khắp đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc về việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tập trung, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn bức xúc của đồng bào vùng dân tộc. Ưu tiên tập trung cho các xã ĐBKK, các thôn xóm ĐBKK, thực hiện nghiêm túc việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư...
Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí hợp lý cán bộ là người DTTS trong các cơ quan, hệ thống chính trị. Thực hiện tốt các chương trình giáo dục ở vùng ĐBKK và không ngừng nâng cao về chất lượng giáo dục, đào tạo cho đồng bào DTTS.
Tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh mới trong vùng đồng bào DTTS, các vấn đề liên quan đến tình hình dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc. Tăng cường công tác truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý với phương châm “hướng về cơ sở” ; đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều tiếng dân tộc khác nhau...
Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chống mọi biểu hiện cục bộ, gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong vùng đồng bào DTTS.
Lê Hạnh
Ảnh: Đàm An