- VietNamNet nhận được đơn thư phản ánh của bà Trần Thị Bằng (trú tại khu Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, HN) về việc yêu cầu phường Phú La cưỡng chế thu hồi mảnh đất 230m2 của ông Đỗ Tiến Gia để trả cho mình theo QĐ giải quyết tranh chấp QSDĐ do quân Hà Đông ký.

Tuy nhiên, chính quyền cơ sở khó khăn trong việc thi hành QĐ vì yếu tố lịch sử.

Quận cho thu hồi...

Theo nội dung phản ánh của bà Trần Thị Bằng, tại QĐ số 82 ngày 09/1/2013, UBND quận Hà Đông đã công nhận thửa đất số 28, tờ bản đồ số 57, diện tích 230m2 (đo đạc thực tế 103,1m2 – bản đồ đo đạc thực tế năm 1998) tại khu Văn Phú, phường Phú La thuộc quyền sử dụng của bà Trần Thị Bằng.

{keywords}
Mảnh đất tranh chấp.

Ông Đỗ Tiến Gia trú tại thôn Văn Phú (người bị tranh chấp) có trách nhiệm trả lại toàn bộ thửa đất nói trên cho bà Bằng.

QĐ ghi rõ, có hiệu lực sau 30 ngày ký. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND phường Phú La vẫn không thực hiện theo QĐ 82 mà quận Hà Đông đã ban hành.

Theo lịch sử, vụ tranh chấp QSDĐ giữa bà Bằng và ông Gia đã kéo dài hơn 20 năm (từ năm 1990). Theo nguồn gốc, ông bà nội của bà Bằng thời kỳ Cải cách ruộng đất, một số tài sản đã ị trưng mua được liệt kê tại Công phiếu tạm thời (bao gồm 4 mẫu 6 sào ruộng; một con bò, 17 nông cụ, một cái nhà thừa, các tài sản khác gồm 38 cái).

Năm 1990, UBND xã (khi đó là xã Văn Khê) thông báo gửi Ban quản trị HTX, Ban kiểm soát HTX Văn Phú và thông báo cho bà Bằng, ông Chữ và ông Gia nếu có giấy tờ công nhận của đội Cải cách ruộng đất hoặc chính quyền thì mang lên UBND xã làm thủ tục công nhận. Nếu không ai có giấy tờ, UBND xã sẽ quyết định giao 4 thước ao này cho HTX quản lý sử dụng.

Năm 1996, UBND xã nhận được đơn của bà Trần Thị Bằng đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai với ông Đỗ Tiến Gia, xã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành.

Ngày 08/9/1998, UBND xã Văn Khê tổ chức hội nghị hòa giải và kết luận: sự việc trên do lịch sử để lại và hiện nay gia đình ông Gia đang quản lý, sử dụng bốn thước ao nói trên.

Để đảm bảo có lý tình giải quyết chỗ ở cho con của bà Bằng đã trưởng thành, UBND xã sẽ đề nghị HTX Văn Phú khi xin cấp đất giãn dân sẽ đưa gia đình bà Bằng vào danh sách để cấp 01 tiêu chuẩn.

Phường nói khó thực hiện

Ngay sau khi có QĐ 82 về việc xử lý đất tranh chấp của UBND quận Hà Đông, gia đình ông Đỗ Tiến Gia đã khiếu nại QĐ này ra UBND TP. Hà Nội.

Theo trình bày của gia đình ông Gia: nguồn gốc thửa đất của gia đình được đội Cải cách ruộng đất chia cho từ năm 1956. Do đặc điểm lịch sử thời bấy giờ, người được chia đất không có giấy tờ gì, và ở ổn định lâu dài từ đó đến nay.

Trước đó, gia đình bà Bằng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại về việc đòi lại thửa đất mà gia đình ông Gia được chia. Rất nhiều cấp chính quyền đã xử lý, trong đó có phiên tòa dân sự năm 2007 của TAND tỉnh Hà Tây (cũ) phân xử tranh chấp xung quanh thửa đất này.

TAND tỉnh Hà Tây khi đó đã đi xác thực tới từng nhận chứng, vật chứng… để đi tới kết luận: bác nội dung khiếu kiện của gia đình bà Bằng về việc đòi lại 4 thước ao đã được HTX Văn Phú chia cho gia đình ông Gia từ thời kỳ cải cách ruộng đất.

Sau khi có QĐ 82 về việc phân xử của UBND quận Hà Đông, gia đình ông Gia đã tiếp tục khiếu nại QĐ 82 này. Hiện tại, ông Đỗ Tiến Gia đã chết và ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Phú (con rể) khiếu nại cho mình.

Chủ tịch UBND phường Phú La, Nguyễn Khắc Huy cho hay: sự việc khiếu kiện của gia đình bà Bằng kéo dài, phường đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành.

Về nội dung thi hành QĐ 82 của UBND quận Hà Đông, theo ông Huy, phường chưa thi hành được vì QĐ này vẫn đang bị người dân khiếu nại lên UBND TP Hà Nội.

“Gia đình ông Gia đề nghị dừng thi hành QĐ 82 của UBND quận Hà Đông cho đến khi có QĐ giải quyết cuối cùng, gia đình ông Gia sẽ tự nguyện chấp hành” – chủ tịch phường Phú La cho biết.

Vụ khiếu kiện, tranh chấp kéo dài gần 20 năm nhưng nhiều cấp chính quyền vẫn chưa xử lý được dứt điểm, một trong những nguyên nhân gây kéo dài, có nguyên nhân về nguồn gốc đất tranh chấp (từ thời cải cách ruộng đất) và vấn đề lịch sử.

Thái Linh