Thông qua phác đồ điều trị viêm gan siêu vi C (VGSV C) mới với nhiều lợi ích dành cho bệnh nhân, triển khai các chương trình sức khỏe cộng đồng,… là những dấu ấn nổi bật của ngành y tế Việt Nam nhằm đẩy lùi VGSV C trong thời gian qua.

Phác đồ điều trị mới giảm tải gánh nặng cho người dân

Kể từ khi được ban hành vào tháng 3/2015, “Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019”, Bộ Y Tế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như chính sách hỗ trợ bệnh nhân viêm gan vi rút trong việc tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị; tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến, đẩy mạnh công tác giám sát bệnh và tiêm chủng mở rộng.

{keywords} 

Trong đó, bước tiến lớn nhất tạo nên dấu ấn nổi bật nhất là việc thông qua phác đồ điều trị mới với các loại thuốc dạng uống thay vì dạng tiêm vào năm 2016. Bác sỹ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa - Gan Mật, bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã nhận định: “Là một cuộc cách mạng thực sự trong việc điều trị viêm gan siêu vi C".

Theo đó, so với các phác đồ điều trị cũ sử dụng các thuốc dạng tiêm, phác đồ mới sử dụng thuốc dạng uống mang tới những bước tiến đột phá như không gây đau đớn cho bệnh nhân, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ không mong muốn, đáp ứng miễn dịch và tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 99%.

Điều quan trọng hơn, loại thuốc uống này rút ngắn thời gian điều trị từ một năm xuống còn ba tháng, tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho bệnh nhân theo đuổi hết tiến trình điều trị. Hơn nữa, chi phí điều trị rẻ hơn nhiều giúp giảm tải gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình, đặc biệt là đối với người nghèo, mở ra cánh cửa giúp họ tiếp cận được với việc điều trị tối ưu - điều mà trước đây vẫn là một hạn chế lớn đối với việc điều trị viêm gan siêu vi C.

Chương trình sức khỏe cộng đồng được nhân rộng

Dấu ấn nổi bật tiếp theo cũng mang tầm quan trọng không kém, đó chính là các hoạt động vì sức khỏe cộng đồng như chiến dịch “Yêu lá gan của bạn" do Hội Gan Mật Việt Nam tổ chức vào tháng 7 - 8/2017 tại TP.HCM và Kiên Giang.

{keywords} 

Chiến dịch này thực sự hiệu quả trong việc đưa thông tin tiếp cận với đông đảo người dân nói chung và nhất là người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện thường xuyên theo dõi tin tức trên báo đài.

Các hoạt động tuyên truyền vì sức khỏe cộng đồng kết hợp bác sỹ tư vấn tại chỗ của chương trình đã trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về bệnh viêm gan siêu vi C, giúp họ nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và các cách thức phòng chống bệnh. Từ đó, người dân dần xây dựng ý thức chủ động tầm soát, xét nghiệm và chữa trị theo đúng phác đồ chỉ định của bác sỹ.

Phải nhìn nhận rằng, nếu coi việc thông qua phác đồ điều trị mới là cái gốc, thì các hoạt động xã hội nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho bệnh nhân viêm gan nói chung và viêm gan siêu vi C nói riêng chính là thân - cành - nhánh để đưa các thông tin về việc điều trị đến với đa số người dân hơn.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành y tế trong việc đẩy lùi bệnh viêm gan siêu vi, nhưng vẫn rất cần nhiều hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, để mang lại hiệu quả tối ưu cho kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan siêu vi trong những năm tiếp theo, vẫn cần thêm rất nhiều chương trình vì sức khỏe cộng đồng như “Yêu lá gan của bạn", để lan tỏa mạnh hơn những thông tin về bệnh viêm gan siêu vi C đến với người dân ở khắp các vùng sâu vùng xa trên cả nước. Chính những quyết tâm và hành động thiết thực này sẽ hỗ trợ người dân toàn diện hơn, không chỉ giúp họ tiếp cận với việc điều trị bệnh, được hỗ trợ chi phí, mà còn trang bị cho họ những kiến thức cần thiết, nâng cao được nhận thức về bệnh, đạt hiệu quả trong việc phòng chống bệnh, giúp giảm tải gánh nặng cho xã hội.

Lệ Thanh