Sau một loạt tác động tích cực như: VAMC ra đời, lãi suất giảm… thì thông tin có khả năng nâng tỷ lệ sở hữu cho khối NĐT ngoại theo lộ trình cam kết WTO đang khiến giới đầu tư sôi sục, đón đầu một đợt sóng mới.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, việc xới lên thông tin mở room có là bài để các NĐT lớn xả hàng trong bối cảnh chứng khoán đã tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua hay không?. Liệu đã có nhiều cổ phiếu vào vùng quá mua hay chưa? Sau đó là các vấn đề DN nội có khả năng bị thâu tóm, nền kinh tế bị thao túng…
Đã đến lúc?
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua khá sôi động khi đề cập đến vấn đề nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần DN cho các NĐT ngoại trong bối cảnh TTCK đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư; dòng tiền đang chảy vào chứng khoán khá mạnh.
Theo nhóm công tác thị trường vốn của VBF, đã đến lúc cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam. Một thị trường mở thực sự không nên tồn tại sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đề xuất này thực tế không mới. Trong 8 nhóm giải pháp mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán công bố hồi đầu năm 2013 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TTCK thì việc nới room cho NĐT nước ngoài và thúc đẩy cổ phần hoá gắn với niêm yết được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.
|
Thực tế, thông tin điều chỉnh tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài theo hướng nới lỏng đã được khối ngoại nắm bắt và có tín hiệu gia tăng dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam trong nhiều tháng qua. Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, các NĐT nước ngoài đổ vào Việt Nam hơn 280 triệu USD khiến khối ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Giới đầu tư cũng háo hức chờ đón dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Theo đó, việc nâng room cho khối ngoại là cần thiết để thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường.
Vì thế, nhiều NĐT kỳ vọng, nếu nới room, thị trường sẽ có một làn sóng siêu đầu cơ các mã hết room, như trong trường hợp của VNM, PNJ, IMP, BMP, REE… TTCK khi đó sẽ có một lực đẩy rất mạnh. Hàng chục quỹ đầu tư với quy mô tài sản đang quản lý khắp nơi trên thế giới lên tới hàng tỷ USD đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư tại Việt Nam.
Đây có lẽ là cơ sở quan trọng khiến nhiều người tin rằng việc nới room cho khối ngoại chỉ còn là vấn đề thời gian.
Phép màu cho chứng khoán?
Một điểm được khẳng định chắc chắn rằng, khi room cho khối ngoại được nới rộng ra, thanh khoản sẽ được cải thiện và TTCK sẽ sôi động, và qua đó cổ phiếu có thể tiếp tục tăng giá.
Nhiều NĐT cho rằng, mở room là một quyết sách sáng suốt, một thông tin ai cũng chờ đợi và nó là sợi chỉ hồng gián tiếp cho BĐS thông qua TTCK... Chứng khoán sẽ bùng nổ. Vấn đề chỉ là thời gian. Và khi chứng khoán thăng hoa, nợ xấu, tình trạng BĐS đóng băng sẽ được giải quyết.
Lật lại quá khứ, có thể thấy, vấ đề mở room đã được tính toán từ rất lâu. Bài toán này có thể đã được cân nhắc kĩ và đây là thời điểm hợp lý để chính sách này được thông qua. Bởi, để giải quyết khó khăn cho nền kinh tế thì phải khơi thông được dòng tiền của xã hội.
Khi mở room dòng tiền của khối ngoại sẽ vào mạnh tạo hiệu ứng kích thích dòng tiền đang được găm, cất trữ dưới mọi hình thức trong dân chúng. TTCK hiện là kênh đầu tư duy nhất trong các kênh đầu tư có khả năng hấp thụ dòng tiền nhờ lợi thế thanh khoản, giá cả hấp dẫn nếu so với các kênh còn lại như vàng, tiết kiêm, ngoại tệ, BĐS.
Khi TTCK được kích hoạt bước vào thời kỳ tăng trưởng nhờ các chính sách đúng đắn sau 6 năm downtrend thì nợ xấu sẽ được tháo gỡ từng phần. Cùng với các gói kích cầu, giải cứu, chính sách nới lỏng tiền tệ và sắp tới là mở room, 2013 được xem là năm cả chứng khoán.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít người e dè về vấn đề này. Nhiều người đặt câu hỏi, việc xới lên thông tin mở room có là bài để các NĐT lớn xả hàng trong bối cảnh chứng khoán đã tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua hay không?. Liệu đã có nhiều cổ phiếu vào vùng quá mua hay chưa? Sau đó là các vấn đề DN nội có khả năng bị thâu tóm, nền kinh tế bị thao túng…
Giải thích của đại diện cơ quan quản lý TTCK gần đây cho biết, TTCK đang hấp dẫn khối ngoại không chỉ đến việc nới room mà có nhiều lý do như thị trường đã xuống khá thấp, đặc biệt là nhóm cổ phiếu của những ngành hàng tốt, được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như sữa, dược phẩm, nhựa...
Những động thái quyết tâm IPO nhiều DN lớn trong năm 2013, chính sách thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kích thích dòng vốn đầu tư ngoại chảy vào.
Vốn ngoại vào có lẽ là một điều tốt nhưng vốn ngoại có thể không phải là phép màu giúp tất cả các cổ phiếu tăng giá. Một điểm có thể nhận thấy khá rõ là, khối ngoại rất ít khi mua cổ phiếu yếu kém.
Thực tế trên thị trường cho thấy, có rất nhiều mã chứng khoán không có hoặc có rất ít sở hữu nước ngoài. Hàng còn e hề nhưng họ không mua. Những gì mà NĐT ngoại quan tâm thì họ đã gom mua hết room, như trong một số trường hợp DN sữa, nhựa… Mở room không khéo rất có thể sẽ khiến nhiều DN trụ cột của nền kinh tế Việt Nam bị rơi vào tay các NĐT nước ngoài.
Huấn Tú