- Mỗi bác sĩ khuyên một kiểu. Mỗi lần chuyển viện là một lần bị yêu cầu làm lại hết các xét nghiệm cho dù không cần thiết khiến nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái hoang mang, không biết tin ai và chọn điều trị ở bệnh viện nào. Loạn xét nghiệm, loạn chất lượng khám, chữa bệnh đang là vấn đề nóng của ngành y.

Hoang mang không biết tin bác sĩ nào

“Tôi vô cùng hoang mang với vị bác sĩ này. Tại sao tôi đau lưng mà lại khuyên đi khám bệnh nhiệt đới?”. Đó là nhận xét của anh Nguyễn Văn Khang, 50 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM khi đi khám chữa bệnh.

Anh Khang bị đau cột sống, đi khám từ bệnh viện công đến tư, tới đâu cũng được yêu cầu chụp MRI, X- quang dù phim chụp vừa xong vẫn còn…mới cứng.

{keywords}

Bệnh nhân chờ khám bệnh  - Ảnh: Vietnam.vn

 

“Đầu tiên tôi khám ở bệnh viện khá lớn tại quận 5 và được chỉ định làm các xét nghiệm máu, MRI, X – quang…Sau một thời gian thấy bác sĩ ở đây khám qua loa, bệnh không thuyên giảm, thậm chí cơn đau ngày thêm trầm trọng, tôi chuyển qua một bệnh viện công khác.

Tại bệnh viện này, bác sĩ lại bảo tôi đi chụp MRI lại vì máy chụp của họ tốt hơn bệnh viện kia. Mỗi lần chụp MRI như thế tốn trên 2 triệu đồng. Sau khi chụp chiếu tùm lum, tốn không biết bao nhiêu tiền, vị bác sĩ đọc phim và nói…không phát hiện gì.

Thấy điều trị theo lối Tây y có vẻ không hợp, tôi lại ra một phòng châm cứu y học cổ truyền trên đường Nguyễn Kiệm châm cứu. Châm cứu hết 1 tuần, tôi vẫn than đau thì được khuyên nên qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám xem có bị gì không? Tôi vô cùng hoang mang với vị bác sĩ này. Tại sao tôi đau lưng mà lại khuyên đi khám bệnh nhiệt đới?”, anh Khang lắc đầu than thở.

Mỗi lần chụp MRI là anh Khang phải tiêm thuốc cản quang, chụp X – Quang nhiều cũng không tốt cho sức khỏe bởi tiếp xúc nhiều với tia phóng xạ.

Để làm 2 phương pháp này bệnh nhân phải có chỉ định. Trước mỗi lần chụp MRI gia đình bệnh nhân đều phải ký vào tờ giấy cam kết y chang thủ tục trước khi làm phẫu thuật.

Từ đó cho thấy việc bệnh viện này không chịu sử dụng kết quả chụp chiếu của bệnh viện kia và yêu cầu phải xét nghiệm cũng như chiếu chụp lại hết đã gây tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.

Suốt 4 tháng bác sĩ chỉ nhìn…rồi kê toa

Trường hợp của chị Trần Thị Thúy, 30 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM cũng như rất nhiều trường hợp khác đang “khóc ròng” vì mỗi bác sĩ nói một kiểu.

Sau khi sinh con, thấy cổ hơi to, người mệt mỏi nên chị Thúy được bạn bè tư vấn đi khám tuyến giáp.

{keywords}
Mỗi lần chuyển viện là một lần bị yêu cầu làm lại hết các xét nghiệm cho dù không cần thiết khiến nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái hoang mang, không biết tin ai và chọn điều trị ở bệnh viện nào.

 

Chị Thúy tìm đến một bệnh viện lớn trên địa bàn quận 5 khám chuyên khoa nội tiết.

Tại bệnh viện này, thời gian chờ đợi cả nửa ngày nhưng chỉ được gặp bác sĩ có 2 phút. Bệnh cường giáp của chị Thúy phải theo một đợt điều trị kéo dài khoảng 18 tháng, mỗi tháng tái khám 1 lần.

Trong 4 tháng liên tiếp, mỗi lần chị Thúy tái khám là một bác sĩ khác nhau, bác sĩ chỉ nhìn và kê toa thuốc. Thấy sau 1 thời gian điều trị cổ mình còn…to hơn, chị Thúy chuyển qua bệnh viện có chuyên khoa ung bướu khám thì giật mình vì biết mình đã từ cường giáp chuyển thành…suy giáp.

Bác sĩ ở bệnh viện này nói nguyên nhân là do thuốc ở bệnh viện cũ kê liều mạnh quá. Bên cạnh đó, trong suốt 4 tháng điều trị, chị Thúy chỉ được khám lâm sàng rồi kê toa chứ không được làm xét nghiệm.

Từ đó bác sĩ đã canh thuốc không chuẩn khiến chị từ cường trở thành nhược giáp.

“Vị bác sĩ mới chỉ định tôi đi làm xét nghiệm máu rồi điều chỉnh lại toa thuốc. Anh ấy còn bảo nếu tôi không đi khám lại mà cứ uống thuốc theo toa cũ, cổ không đỡ mà sẽ to ra mãi. Giờ thật không biết tin ai nữa!”, chị Thúy hoang mang.

Từ đó cho thấy quy trình khám, chữa bệnh hiện nay còn rất nhiều điều chưa hợp lý. Đại đa số người dân đều hy vọng ngành y tế sẽ có sự điều chỉnh để người dân đỡ vất vả hơn trong mỗi lần khám bệnh.

Bảo An