“Mừng cưới bao nhiêu là hợp lý nhất?”
Đó là câu hỏi một người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc đặt ra trên một diễn đàn văn hóa.
“Chúng tôi đủ thân để chào hỏi mỗi khi nhìn thấy nhau. Nhưng chưa bao giờ gặp gỡ ngoài giờ làm”, người này mô tả mối quan hệ của anh với đồng nghiệp vừa gửi thiệp cưới.
Nhiều con số được đưa ra: 30.000, 50.000, 100.000…
“30.000 won (gần 600.000 đồng) nếu bạn không đi (đám cưới) và không thân thiết (với người mời), 50.000 won (khoảng 980.000 đồng) nếu bạn đi nhưng không quá thân, 50.000 won nếu bạn không đi nhưng thân, 70.000 won (khoảng 1,4 triệu đồng) nếu bạn đi và thân, 100.000 won (gần 2 triệu đồng) nếu bạn đi theo cặp và thân”, một bình luận top đầu viết khá chi tiết.
Theo Yonhap, không chỉ người nước ngoài, người Hàn Quốc cũng cảm thấy đau đầu mỗi khi nhận được thiệp cưới. Đi hay không đi? Đi bao nhiêu tiền? Thực sự là những câu hỏi khó, nhất là khi mùa cưới đang về.
Zing.vn trích dịch bài viết của Yonhap về xu hướng những người trẻ Hàn Quốc hạn chế tham gia đám cưới và cắt giảm số tiền mừng, vốn là áp lực và gánh nặng tài chính tại xứ sở kim chi rất nhiều năm nay.
Ảnh: Reuters, Charactermedia. |
Văn hóa 'Euiri' và 1,4 triệu won/ năm cho đám cưới, đám ma
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 của Saramin, công ty tuyển dụng trực tuyến có trụ sở tại Seoul, cho thấy một người làm công ăn lương ở Hàn Quốc chi trung bình 1,4 triệu won (gần 27,5 triệu đồng) cho tiền mừng đám cưới và phúng viếng đám ma mỗi năm.
Gần 75% trong số 435 người được hỏi cho biết họ cảm thấy áp lực và gánh nặng tài chính vì số tiền đó.
Theo giáo sư ĐH Sejong Yuji Hosaka, những con số này phản ánh văn hóa “Euiri” ở Hàn Quốc. Đó là cách ứng xử giữa người với người tương tự như sự trung thành, chung thủy và thậm chí là nam tính.
Nam diễn viên Kim Bo-sung, người được cho là biểu tượng của “Euiri”, đã tham dự tất cả các tiệc kỷ niệm, đám cưới và tang lễ của bạn bè.
"Người Nhật cũng lấy tiền mặt làm quà mừng cho đám cưới. Và tiền mừng trung bình khoảng 30.000 yên/ người (khoảng 6,3 triệu đồng).
Nhưng số lượng khách được mời thường ít hơn rất nhiều so với Hàn Quốc. Danh sách những người tham dự cũng được ấn định trước để chuẩn bị các bữa ăn", Hosaka, người Hàn Quốc gốc Nhật Bản, cho biết.
Đám cưới tập thể của hơn 3.000 đôi trẻ tại Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Ngược lại, người Hàn Quốc phân phát thiệp mời cho hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người. Họ không biết những ai sẽ đến, những ai không.
Nhưng khác với đa phần đám cưới ở các nước, trong đó có Việt Nam, đây không phải là vấn đề bởi những tiệc cưới ở Hàn thường là dạng buffet không giới hạn số người cụ thể.
Đối với nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là những người làm công ăn lương, khi nhận được thiệp cưới, vấn đề quyết định đi hay không đi và mừng bao nhiều tiền không hề đơn giản.
Thông thường, mọi người sẽ dựa trên mức độ thân thiết với cô dâu chú rể và lợi ích đối với công việc để lựa chọn.
Lee Jie-yeon, chủ khách sạn ở Seoul, nói: "Tôi sẵn sàng chi 300.000 won khi người bạn thân nhất kết hôn. Nhưng cách đây không lâu, mẹ vợ của một đồng nghiệp tại khách sạn chúng tôi qua đời. Thật khó để quyết định"
Cuối cùng, cô không đến lễ tang và thay vào đó, nhờ một đồng nghiệp chuyển giúp 50.000 won tiền phúng viếng.
Đám cưới hay bữa ăn tự trả tiền?
Mừng cưới bằng tiền mặt đặt trong một phong bì trắng có thể lạ lùng trong mắt nhiều người nước ngoài, theo Yonhap.
Ảnh: AP. |
Chẳng hạn ở Mỹ, mọi người thường tặng quà cho cô dâu chú rể. Thông thường, đôi vợ chồng sắp cưới sẽ đưa ra một danh sách tất cả những món quà họ muốn nhận được trong ngày cưới. Bạn bè, người thân sẽ dựa vào đó để chọn ra quà tặng phù hợp.
Tuy nhiên, ở Hàn Quốc cũng như nhiều nước châu Á, mừng đám cưới, chia buồn tang gia bằng tiền mặt từ lâu đã trở thành truyền thống.
Những người Hàn Quốc lớn tuổi cho rằng nó thể hiện sự san sẻ vấn đề tài chính với gia chủ, đồng thời là cách duy trì mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, quan niệm này không còn đúng với nhiều người trẻ ở độ tuổi 20, 30.
Jin Yilin, 35 tuổi, nhân viên văn phòng, nói rằng trong hơn 10 năm qua cô chỉ tham dự đúng 2 đám cưới dù nhận được vô số thiệp mời mỗi năm.
"Từ nhỏ, mỗi lần tham dự đám cưới họ hàng, tôi đều phải chào hỏi những người không quen biết, điều này thực sự nhàm chán.
Sau 20 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ 'mình đến những nơi đó để làm gì?', mang theo những tiếng vỗ tay nhạt nhẽo, ăn những bữa ăn do chính mình trả tiền, ngồi 30 phút để nghe những thứ vô nghĩa", Jin nói.
Giới trẻ Hàn có xu hướng tổ chức tiệc cưới đơn giản. Ảnh: Reuters, Charactermedia. |
Trong những đám cưới đến dự, Jin mừng phong bì 200.000 won (khoảng 4 triệu đồng) và món quà trị giá khoảng 100.000 won (khoảng 2 triệu đồng). "Đó là những mối quan hệ thực sự gần gũi", cô nói.
Năm ngoái, Park Mou, 37 tuổi, nhân viên văn phòng, đã có một đám cưới đơn giản chỉ có cha mẹ hai bên và vài người bạn thân thiết. Anh không nhận tiền và quà tặng từ khách đến dự.
Trong suốt 10 năm qua, Park gần như không đến bất cứ đám cưới hay đám tang nào và cũng không gửi tiền.
"Tham gia quá nhiều đám cưới, đám tang chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi muốn sống đơn giản trong thế giới phức tạp này", anh nói.
Theo giáo sư Jin Genhong, Khoa phúc lợi xã hội, ĐH Giang Nam, xu hướng người trẻ Hàn Quốc cắt giảm đi đám cưới, đám ma có phần liên quan đến tình trạng kết hôn muộn hoặc xu hướng không kết hôn.
Còn giáo sư Hosaka giải thích xu hướng này thể hiện sự thay đổi quan niệm của giới trẻ về các đám cưới truyền thống. Người trẻ Hàn Quốc ngày nay không còn muốn những đám cưới quá lớn và đông khách mời như trước.
Tuy nhiên, dù quy mô đám cưới có thể ngày càng thu hẹp, ông Hosaka nghĩ rằng văn hóa mừng cưới bằng tiền mặt sẽ vẫn được duy trì tại Hàn Quốc.
Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng sống chậm, muốn trở về những năm 80-90
Không chỉ là một xu hướng tái hiện quá khứ, retro phản chiếu hiện tại. Guồng quay mệt mỏi trong thời đại công nghệ số khiến giới trẻ muốn thoát ly, khao khát trở về với giá trị cũ.
Theo Huệ Lâm/ Zing