- “Tính mạng, sức khỏe của bao nhiêu người chẳng lẽ chỉ đáng vài chục triệu tiền phạt thôi sao?” – đó là ý kiến của bà Trần Thị Mẫn, 60 tuổi, một cán bộ hưu trí, ngụ tại quận 5 TP.HCM

Vừa qua, cơ quan chức năng đã công bố tên các cơ sở sản xuất bún không an toàn. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt còn quá nhẹ so với hành vi đầu độc, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Chỉ phạt hành chính, yêu cầu thu hồi

Sau khi Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (gọi tắt là TT) thuộc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố bún, bánh canh, bánh cuốn, phở… có chứa độc tố tinopal (một chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm, sử dụng tẩy trắng trong bột giặt và giấy) đã làm không chỉ người tiêu dùng mà cả ngành an toàn thực phẩm đều…sốc.

Ngay sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết trong 7 tháng đầu năm 2013 đã cho kiểm tra, giám sát chủ động trên địa bàn thành phố.

Đồng thời đơn vị này có lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đối chứng với Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Hà Nội, phát hiện 06 mẫu gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 03 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, acid Oxalic là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, Ngoài ra còn phát hiện chất Natri sulfite có trong danh mục của Bộ Y tế nhưng sử dụng vượt mức cho phép.

{keywords}
Thông tin bún nhiễm độc làm người dân hoang mang. Ảnh VNN.

Tới ngày 10/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động công bố tên của 3 cơ sở sản xuất bún “độc” nói trên. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở vi phạm này.

Cụ thể, Hộ kinh doanh Hoàng Thành (địa chỉ 751/40H/15 Hồng Bàng, Phường 6, Quận 6) bị phạt 33 triệu đồng. Cơ sở này sử dụng phụ gia thực phẩm Natri sulfite sản xuất bánh lọt vượt mức cho phép. Không chỉ vậy cơ sở còn sản xuất bánh hỏi có chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm là Tinopal.

Tiếp đến là hộ kinh doanh Phương Dung (địa chỉ số 71/486E đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp) bị phạt 30 triệu đồng vì sản xuất bún bò có chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm (Tinopal).

2 cơ sở trên đều bị buộc thu hồi, tiêu hủy thực phẩm vi phạm. Riêng đối với Công ty TNHH Cát Tường (địa chỉ 38/73 Đường 50, phường 14, Gò Vấp), Sở Công Thương đang tiến hành xử lý và sẽ công bố kết quả sau.

Song song với việc xử lý của Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân Quận 8 đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-XPHC ngày 24/7/2013 xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (địa chỉ số 6, đường số 4, phường 4, quận 8) vì hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn dùng để sản xuất chế biến và sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất....Tổng số tiền phạt là 52 triệu 250 ngàn đồng.

Xử phạt quá nhẹ

Dù các cơ sở vi phạm đã bị xử lý hành chính, tuy nhiên nhiều người dân cho rằng phạt vậy còn quá…nhẹ.

Anh Nguyễn Duy Tuấn, ngụ tại quận 2, TP.HCM có ý kiến: “Đã biết là chất cấm, có hại cho sức khỏe con người nhưng nhà sản xuất vẫn cho vào thực phẩm một cách có chủ đích với mục đích trục lợi cá nhân là hành vi vô đạo đức. Chỉ phạt tiền họ thôi là quá nhẹ. Những cơ sở này làm ăn bất chính, thu lợi biết bao nhiêu, tôi nghĩ thiệt hại một chút tài chính chưa thể đủ làm họ thức tỉnh…”

Tương tự ý kiến của anh Tuấn, chị Nguyễn Thu Hà, ngụ tại quận 8, TP.HCM bức xúc nói: “Ngày này qua ngày khác, gia đình tôi, con cái, cha mẹ tôi ăn bún, ăn bánh hỏi. Rất nhiều gia đình cũng vậy. Nay bỗng dưng phát hiện hóa cả nhà mình ăn đồ…nhiễm độc. Bản thân tôi còn cảm thấy có lỗi, giống như mình đút từng muỗng bún cho con ăn mỗi sáng là gián tiếp đầu độc con mình. 

Vậy những người sản xuất, kinh doanh bún nhiễm độc nghĩ gì? Họ có cắn rứt lương tâm không khi đang đầu độc cả một cộng đồng, trong đó có hàng xóm, người thân của họ chỉ vì…lợi ích bản thân? Hành vi như thế mà chỉ phạt tiền thôi sao?”

Không chỉ vậy, bà Trần Thị Mẫn, 60 tuổi, một cán bộ hưu trí, ngụ tại quận 5 TP.HCM lên tiếng: “Với những hành vi liên quan đến bê bối thực phẩm cơ quan chức năng phải xử thật nặng, thật nghiêm. Không chỉ phạt tiền mà còn đóng cửa, xử hình sự thì mới răn đe được. Tính mạng, sức khỏe của bao nhiêu người chẳng lẽ chỉ đáng vài chục triệu tiền phạt thôi sao?”

Tính tới thời điểm hiện nay, các đoàn kiểm tra thuộc cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM đã kiểm tra 241 lượt/212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn. 

166 mẫu đã được gửi đi kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu Tinopal, acid Oxalic, Natri sulfite và Natri benzoat.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục thông tin cho báo chí về diễn tiến quá trình kiểm tra các sản phẩm làm từ bột gạo để người dân được rõ.

Thanh Huyền