- Một cô giáo dạy ở trường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) là nhân chứng vụ xe "điên" Camry tông chết người đã tâm sự về sự vô cảm, thờ ơ của nhiều người khi không ai chịu đưa bé gái đi cấp cứu kịp thời.
Là nhân chứng có mặt tại hiện trường ngay lúc xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng, tối qua, cô giáo Dương Kim L xót xa kể lại những điều tận mắt chứng kiến khi nhiều người "bỏ chạy" hoặc “ cố luồn lách” khi cô và mọi người cố gắng nhờ đưa bé Gia Hân đi cấp cứu.
Cô Liên cho rằng điều cô đau đớn nhất chính là những trái tim vô cảm của con người trước vụ tại nạn khi cô và mọi người cố gắng nhờ đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Qua sự chia sẻ trên, cô cũng mong rằng xã hội sẽ không còn những con người vô cảm như vậy nữa.
Những dòng chia sẻ của cô giáo Dương Kim L đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cộng đồng mạng. Nhiều người thương xót ba nạn nhân xấu số, thương xót bé Gia Hân, đồng thời cũng chia sẻ câu chuyện của mình từng gặp để lên tiếng cảnh tỉnh mọi người đừng vô tình, thờ ơ trước sự sống mong manh.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng |
“Nghe chuyện của chị làm tôi nhớ một thứ từng xảy ra với bản thân mình. Hồi mới vào đại học, tôi lái xe cúp đưa bà ngoại về nhà. Một chiếc xe máy khác cắt đầu và cả hai bà cháu ngã xuống. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi bị mất kiểm soát và ngã xuống đường. Tôi mở mắt, nhìn thấy người xung quanh, nhưng không đứng dậy được. Đám đông vây lấy tôi. Tôi thấy cả bà ngoại mình quỳ xuống và lay mình, nhưng không cử động được.
Khi đó, một phụ nữ gầy và mặc đồ bà ba đã quỳ xuống đỡ đầu tôi. Bà cứ liên tục nhờ ai đó chở tôi đi đến bệnh viện. Bà ngoại tôi run rẩy vuốt má tôi nhưng không biết làm gì hết. Chẳng ai làm gì.
Người phụ nữ đó cuối cùng nói được một ai đó đồng ý chở tôi. Bà cùng hai người khác bế tôi lên sau xe máy và bà ngồi ngoài đỡ tôi. Tôi mở mắt nhìn, không cử động được. Rồi nhắm mắt lại. Khi nằm trên băng-ca vào bệnh viện, tôi thấy những người xung quanh đi lại. Một lần nữa, cũng là người phụ nữ đó nắm áo từng người lại hỏi cấp cứu cho tôi. Bà phải nói bà là người nhà.
Khi mở mắt lần nữa, thì mẹ tôi đã đến. Có một y tá trong bệnh viện là hàng xóm của mẹ đã thông báo cho mẹ đến. Khi ấy, bà chào mẹ tôi vội vã rồi đi. Hình ảnh của bà được lật lại trong tâm trí nhiều lần sau này. Mẹ mải khóc lóc chẳng còn nhớ ra bà là ai, tên gì. Bà biến mất như một làn khói, sau một chuyến xe ôm dài, với thân thể mà tôi nhớ là gầy gò đã bế tôi sau xe. Tay bà giữ chặt cổ tôi, không cho cử động theo nhịp xe bị xóc.
Có những câu hỏi bật ra mỗi khi cố nhớ về bà: Nếu hôm ấy bà không xuất hiện, ai sẽ bế tôi vào bệnh viện? Nếu không phải bà gọi hết người này đến người nọ, ai sẽ chịu chở tôi đi? Nếu bà không liều mình nhận là người nhà, cuộc bắt đầu khám bệnh của tôi sẽ bắt đầu lúc nào?
Những câu hỏi đó chính là rào cản khiến người ta không đủ can đảm dừng xe lại, hay đón một nạn nhân vương vãi máu trên ghế sau xe mình.
Tôi luôn tự hỏi lòng tốt nào đã khiến người đàn bà kia chịu chông chênh ngồi sau xe máy và bế tôi trên người? Sự nỗ lực gì đã khiến bà đứng đó xin xỏ và thuyết phục từng người, cho đến khi một chiếc xe máy chịu chở tôi vào bệnh viện?
Để làm một việc tốt, chưa bao giờ là một thứ không phải nỗ lực. Nhưng cách hành xử để biến hành vi lương thiện thành sự hoảng sợ của người dân, để họ cắn răng bỏ chạy khỏi xung quanh vì quá lo sợ bị liên lụy, thì đó là một ý tưởng tàn bạo”, Chị Lan Phương chia sẻ.
Bức ảnh trước khi vụ tai nạn giao thông xảy ra vài giây |
Anh Nguyễn Quang Minh cũng chia sẻ: Cách đây chục năm, khi đi trên đường gặp một vụ tai nạn, mình đã dừng lại để chở nạn nhân đến Bạch Mai. Một thanh niên bế cô gái bị nạn lên xe. Đến bệnh viện, mình cùng thanh niên kia đưa cô gái vào phòng cấp cứu. Lúc đẩy xe thấy cô gái cứ ú ớ không nói được.
Khi vào phòng cấp cứu, cô gái vẫy tay để mình ghé tai lại. Cô ấy nói khó nhọc, rằng thanh niên kia đã lấy dây chuyền của cô. Quay ra đã không thấy thanh niên đâu.
Hóa ra sự nhiệt tình mà mình thấy từ đầu của thanh niên kia cũng có mục đích xấu. Sau đó cũng mất khá nhiều thời gian để gọi điện thông báo rồi khai báo này nọ. Và cũng chịu những cái nhìn dò xét, cứ như mình là người gây ra tai nạn.
Cũng đã có lúc chợt nghĩ nếu không chở cô gái đó, chắc mình đỡ phiền hà hơn, rồi về còn phải đi rửa xe để trả (xe thuê của ông anh làm hãng taxi). Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua, và nếu gặp trường hợp tương tự, mình cũng chẳng thể làm khác được.
Vậy tại sao trong những trường hợp kể trên, con người lại vô cảm với đồng loại đến vậy? Do mê tín chăng? Hay do thiếu lòng tin, khi những người cứu giúp người khác hay bị hàm oan? Sao họ có thể bỏ đi, khi đồng loại đang cần sự giúp đỡ? Sao không nghĩ cứu người là làm một điều thiện tích đức cho con cháu? Cho dù thế nào đi chăng nữa, thì phải nghĩ đến người bị nạn chứ? Nếu đó là người thân của mình thì sao?
Tại một diễn biến khác, trong lúc xảy ra vụ tai nạn, một số người dân cho biết, họ liên tục gọi vào số điện thoại của Trung âm cấp cứu 115 Hà Nội, có người trả lời nhưng 45 phút sau chưa thấy xe nào đến. Sau đó công an phường đã phải dùng xe tải 5 tạ đưa cháu học sinh đi cấp cứu và cháu bé đã tử vong dọc đường. Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã lên tiếng phủ nhận. Ông Sáu cho biết, tổng đài của trung tâm nhận được cuộc gọi báo tai nạn nghiêm trọng tại Long Biên lúc 7h35 sáng 29/2. Ngay lập tức trung tâm điều 1 xe cấp cứu tại trạm Long Biên (đóng tại Trung tâm Y tế quận Long Biên) đến hiện trường, cách nhau khoảng 4km. Tuy nhiên do đúng giờ cao điểm, các ngả đường đều tắc nghẽn nên xe cấp cứu phải đi rẽ vòng sang đường Nguyễn Sơn để tránh tắc nên7h58 mới có mặt”. Liên quan đến vụ việc, hiện Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu Trung tâm 115 Hà Nội báo cáo, giải trình. |
Hạnh Thúy