Thống lĩnh thị phần đồ uống tại thị trường Việt Nam, doanh số tăng liên tục, nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam Coca Cola liên tục khai lỗ.
Nâng giá nguyên phụ liệuCục Thuế TPHCM cho biết từ khi thành lập (tháng 2/1994) đến nay chưa năm nào Công ty Coca Cola Việt Nam khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Năm 2004 doanh thu 728 tỷ đồng, số lỗ là 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỷ đồng.
Mới nhất năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ đồng. Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.
Ông Lê Duy Minh, trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TPHCM, cho biết để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Như năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng. Năm 2009 chi phí này là 1.065 tỷ đồng.
Nhiều lần Cục Thuế TPHCM cũng đã làm việc với doanh nghiệp này nhưng đại diện Công ty Coca Cola Việt Nam vẫn trả lời là đã kê khai đầy đủ, chấp hành đúng luật pháp Việt Nam, còn nguyên nhân lỗ là do thu không đủ bù chi. Công ty cũng không thể bán giá cao hơn vì muốn mở rộng thị trường. Công ty này cũng giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám.
"Đã 6-7 năm nay Cục Thuế TPHCM liệt Công ty Coca Cola Việt Nam vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. Báo cáo tài chính của công ty này cũng được săm soi rất kỹ nhưng việc chứng minh doanh nghiệp này có chuyển giá phức tạp hơn các doanh nghiệp khác rất nhiều do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca Cola Việt Nam độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì đây là doanh nghiệp đặc thù" - ông Minh nói.
Kinh doanh bằng vốn của công ty mẹ
Cũng theo đại diện Cục Thuế TPHCM, điểm bất thường khác là những doanh nghiệp khác tỉ lệ lãi trên vốn luôn là số dương nhưng riêng Công ty Coca Cola Việt Nam tỉ lệ này luôn âm với một con số rất lớn. Qua nhiều năm thua lỗ đến nay, Coca Cola Việt Nam đã "âm" vốn chủ sở hữu đến 818 tỷ đồng.
Vì thua lỗ nên sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (thực chất là do người tiêu dùng nộp), thuế môn bài, còn thuế thu nhập doanh nghiệp đến nay chưa thu được đồng nào. Nhưng nghịch lý ở chỗ dù thua lỗ, công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất.
Thậm chí cuối tháng 10/2012, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới. Vậy đâu là động lực để doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi liên tục thua lỗ như vậy?
Ông Lê Duy Minh cho biết so sánh với doanh nghiệp nước giải khát rất nhỏ cùng ngành nghề của Việt Nam là Chương Dương năm 2011, dù chỉ còn thị phần ở hai sản phẩm là soda chai và nước xá xị, doanh thu chỉ có 422 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lên đến 30 tỷ đồng với số thuế nộp cho ngân sách lên đến 7,5 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy ẩn đằng sau con số lỗ của Coca Cola có thể là khoản lãi rất lớn hằng năm chảy về cho công ty mẹ dưới dạng tiền trả nguyên phụ liệu.
"Cục Thuế TPHCM đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố về tình trạng thua lỗ liên tục của Coca Cola Việt Nam, trong đó nêu rõ quan điểm rằng nếu một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam mà lỗ mất vốn đầu tư ban đầu có còn cơ sở pháp lý để tồn tại ở Việt Nam hay không nhưng vẫn chưa nhận được văn bản nào trả lời về vấn đề này" - ông Minh nói.
Do liên tục thua lỗ qua nhiều năm, đến nay Coca Cola Việt Nam hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay. Trong đó vay nợ ngắn hạn từ công ty mẹ là 2.020 tỷ đồng, số nợ khác chỉ có 343 tỷ đồng. "Như vậy Coca Cola Việt Nam nợ mà thực chất là không nợ vì chủ yếu là vốn từ công ty mẹ rót vào cho công ty con trích từ một phần lãi hằng năm chuyển về ẩn dưới dạng thanh toán tiền mua hương liệu" - ông Minh cho biết.
Cũng theo Cục Thuế TPHCM, tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố thua lỗ liên tục qua nhiều năm, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất là dấu hiệu không bình thường nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Cách làm này của các doanh nghiệp không chỉ gây thất thoát nguồn thu thuế trong nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thậm chí thôn tính đối tác kinh doanh.
Nhưng nhìn thấy dấu hiệu bất bình thường ở doanh nghiệp là một chuyện, còn việc đấu tranh để các doanh nghiệp này thừa nhận chuyển giá không phải dễ. Bởi khi thực hiện việc chuyển giá, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ chặt chẽ, hợp đồng có giá trị pháp lý...
Dữ liệu của cơ quan thuế cũng chưa thật đầy đủ. Như trường hợp Coca Cola Việt Nam, muốn có cơ sở so sánh phải có dữ diệu của Coca Cola tại Singapore hoặc Thái Lan...
Coca Cola Việt Nam nói gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ (qua email) về nguyên nhân thua lỗ triền miên của Coca Cola Việt Nam, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc đối ngoại của đơn vị này, cho rằng do hàng loạt nguyên nhân khách quan. Theo ông Khoa, sự xuất hiện của các đối thủ khiến Coca Cola Việt Nam bị mất đi một số thị phần đáng kể, công ty phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn cho việc tiếp thị nhằm quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Giá nguyên nhiên liệu, giá điện và giá đường tăng, trong đó việc mua nguyên vật liệu từ thị trường nước ngoài khá đắt đỏ đã làm đội giá thành sản phẩm. Công ty cũng tăng lương cho nhân viên ít nhất 11% mỗi năm để... đối phó với lạm phát. Về chủ quan, ông Khoa cho biết Coca Cola Việt Nam phải vay vốn, chịu gánh nặng chi phí lãi suất cao cũng như những rủi ro tỉ giá với các khoản vay bằng USD. Các khoản chi đầu tư vào dây chuyền sản xuất đã làm gia tăng chi phí về lãi suất, khấu hao và chi phí chênh lệch tỉ giá. * Coca Cola Việt Nam thua lỗ là do nguyên vật liệu mua từ công ty mẹ ở nước ngoài có giá cao và dư luận nghi ngờ có "dấu hiệu chuyển giá". Ông nói gì về dư luận này? - Coca Cola luôn tuân thủ các quy định về thuế và tài chính ở Việt Nam thể hiện qua các kết quả kiểm toán trong những năm qua. * Mặc dù báo lỗ liên tục nhưng vì sao Coca Cola vẫn không ngừng rót tiền vào đầu tư xây dựng nhà máy mới, mở rộng thị phần, thưa ông? - Việt Nam là một thị trường tăng trưởng quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình chúng tôi nhắm tới mục tiêu của Tầm nhìn 2020. Đầu tư tài chính mới này không chỉ mang ý nghĩa đầu tư mở rộng kinh doanh của Coca Cola để xây dựng vị trí dẫn đầu tại Việt Nam mà còn là một minh chứng cho sự tin tưởng của chúng tôi vào triển vọng phát triển lâu dài của Việt Nam. |
(Theo Tuổi trẻ)