Bé trai ở Long An, mới 7 tháng tuổi nhưng đã nhập viện đến 4 lần. Đợt này, bé đã nằm suốt một tháng rưỡi. Chân, tay, thậm chí trên đầu cũng để lại những vết đỏ vì lấy ven, truyền thuốc.
“Con bị viêm phổi nặng, quen với bệnh viện còn hơn ở nhà. Lần nhẹ nhất cũng nằm nửa tháng. Mặt con lằn đỏ vì dán băng keo dây thở oxy, mới gỡ sáng nay xong. Giờ khóc mệt rồi nên nằm thở vậy đấy!”, mẹ của bé, chị T., 22 tuổi, chia sẻ. Bé chỉ là một trong số 370 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, bệnh nhi hô hấp đang tăng cao vì có tính quy luật. Những tháng mùa mưa là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ nhỏ chưa có đề kháng tốt hoặc sống trong gia đình đông đúc, vệ sinh không đảm bảo, chủng ngừa chưa đủ,… mầm bệnh càng dễ xâm nhập hơn.
Bác sĩ Tuấn cho hay, nếu trẻ mắc bệnh hô hấp diễn tiến đến viêm phổi nặng có thể bị biến chứng nguy hiểm tính mạng. Biến chứng hàng đầu là suy hô hấp do phổi thiếu oxy, ứ đọng các chất độc. Nhiều trường hợp nằm tại phòng cấp cứu phải thở oxy, hỗ trợ hô hấp.
Nguy hiểm không kém, các ổ nhiễm trùng sẽ tạo thành ổ mủ trong phổi gây áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, hoặc lan rộng thành viêm mủ màng phổi. Một số trường hợp, vi khuẩn từ ổ nhiễm trùng theo máu đi đến các cơ quan khác gây nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc (ở tim), viêm màng não, viêm khớp…
Do đó, trong mùa này, phụ huynh cần quan sát thật kỹ các triệu chứng, diễn biến của trẻ. Theo bác sĩ Tuấn, tính mạng trẻ có thể đang bị đe dọa, phải cấp cứu ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
Trẻ ngủ li bì, yếu đến mức không lay gọi được.
Trẻ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú kém. Trẻ không bú vì yếu, hoặc bú chưa được một nửa lượng sữa bình thường.
Trẻ trên 2 tháng tuổi bị nôn ói nhiều lần, uống nước hay chất lỏng nào cũng nôn ói.
Riêng với trẻ bị bệnh đường hô hấp, phụ huynh cần nhớ dấu hiệu quan trọng là thở co lõm lồng ngực. Thông thường, trẻ nằm yên, nếu vén áo sẽ thấy phần dưới ngực của trẻ nở ra để đón dưỡng khí oxy từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi phổi đặc cứng, phần dưới lồng ngực bị co lõm khi thở.
Lúc này, nguy cơ trẻ đã bị viêm phổi nặng, nhất thiết phải đưa vào viện cấp cứu.
Triệu chứng gợi ý có thể trẻ đã bị viêm phổi, cần đưa đi thăm khám là nhịp thở nhanh hơn bình thường. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình và quyết định trẻ có cần nhập viện hay không, nhiều trường hợp sẽ được theo dõi tại nhà.
Ngoài ra, trẻ cũng cần đi bệnh viện nếu ho kéo dài trên một tuần, ho không giảm; ho ra máu; khạc đờm giống như mủ: có mùi hôi, tanh, màu vàng.
Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý, khi trẻ sốt cao 39 độ trở lên, kéo dài 2-3 ngày, sốt không hạ, phụ huynh phải đưa trẻ đến viện thăm khám. Vì bên cạnh nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, trẻ có thể mắc bệnh lý khác như sốt xuất huyết cũng rất nguy hiểm. Hiện nay, TP.HCM đã ghi nhận 26 ca tử vong vì sốt xuất huyết, trong đó có trẻ nhỏ.
Lý giải nguyên nhân trẻ mắc hô hấp tăng cao từ đầu tháng 10, bác sĩ Tuấn cho rằng, bệnh hô hấp có tính chất quy luật, theo mùa. “Trước đây, có thời điểm chúng tôi tiếp nhận đến 500 trẻ nhập viện vào Khoa Hô hấp chỉ trong một ngày”, ông nói.
Ngoài ra, cũng có giả thuyết rằng, trong thời gian Covid-19, người dân thực hiện rất tốt giãn cách xã hội để ngăn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trẻ em ở nhà, không tiếp xúc với các mầm bệnh virus khác. Do đó, các bệnh hô hấp khác giảm trong giai đoạn dịch Covid-19.
“Mặt khác, do không tiếp xúc với các mầm bệnh nên trẻ không sinh ra miễn dịch, đề kháng cho cơ thể. Sau dịch Covid-19, trẻ đi học trở lại, tiếp xúc nhiều trong điều kiện miễn dịch chưa đầy đủ nên dẫn đến gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác", bác sĩ Tuấn chia sẻ.