Thoát thai từ một nền kinh tế lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhu cầu xây dựng lại và phát triển đất nước với tốc độ cao một cách toàn diện  phải có một ngành năng lượng tương xứng, trong đó dầu khí chiếm một vai trò quan trọng. Trong bối cảnh lịch sử này, khi xét về đặc điểm của KH-CN dầu khí trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế  - xã hội.

Bài liên quan:




Nhiệm vụ KH-CN dầu khí rất to lớn, nặng nề, bao gồm tập hợp, nghiên cứu các dữ liệu để xác định tiềm năng dầu khí  làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông cũng như nhanh chóng tiếp thu công nghệ dầu khí hiện đại để quản lý các hoạt động dầu khí của các công ty nước ngoài ở Việt Nam, tham gia hợp tác, tiến tới tự lực một phần trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, hoàn chỉnh.


KH-CN dầu khí Việt Nam được tạo dựng  trong một thời gian rất ngắn, xuất phát từ con số không cả về con người lẫn trang thiết bị, nguồn tài chính, phần lớn thời gian lại bị bao vây, cấm vận nhưng lại phải tiếp cận ngay với công nghệ hiện đại và phát triển trong môi trường mà cơ sở pháp lý  cũng như điều kiện xã hội  chưa hoàn thiện để thích nghi với môi trường quốc tế tương đối xa lạ với mô hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hai đặc điểm trên tạo ra sự lúng túng, để lại những dấu ấn của sự tự phát vì thiếu một chiến lược dầu khí toàn diện, nhất quán cũng như một lộ trình phát triển KH-CN dầu khí ngay từ đầu và đây cũng là nguyên nhân của sự phát triển thiếu cân đối, không đồng bộ trong KH-CN dầu khí cho đến thời điểm hiện nay.

Tuy có nhiều nhược điểm và khuyết điểm nhưng KH-CN dầu khí Việt Nam trong  gần nửa thế kỷ qua đã phát triển một cách vượt bậc, minh chứng bằng sự trưởng thành của một đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành đông đảo, một bộ phận lớn có trình độ tương đối đủ để đảm nhận phần lớn trọng trách trong các liên doanh hoặc các công ty đối tác nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng như các công ty chuyên ngành  thành viên của Petrovietnam, công nghệ được sử dụng đã góp phần phát hiện một trữ lượng xác minh đáng kể và đạt sản lượng khai thác hàng năm đứng hàng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Đóng góp của ngành dầu khí trong giai đoạn trước đây cho đất nước, nhất là trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trong các thập niên cuối của thế kỷ trước cũng như hiện nay là không thể chối cãi.

Sự nghiệp phát triển công nghiệp dầu khí Việt Nam hiện nay đang diễn ra trong một bối cảnh khác trước. Tuy chúng ta còn có những khó khăn nhất định và tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới không nhỏ nhưng vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới đã được tăng cường nhờ sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phát triển và quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng.

Bản thân ngành dầu khí Việt Nam cũng đã có một cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, kinh nghiệm lớn mạnh hơn trước. Tiềm năng dầu khí trong nước chưa phải đã  đi vào giai đoạn cạn kiệt và hoạt động dầu khí ở nước ngoài cũng đã được khởi động tuy quy mô và triển vọng còn nhỏ.

Với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, Petrovietnam đã có đủ những yếu tố tối thiểu cần thiết để đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng các yêu cầu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu chiến lược của toàn ngành cho giai đoạn 2010-2020.

Còn tiếp...

  • TS. Trần Ngọc Toản Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí