Trong khi các nhà khoa học Việt Nam khẳng định gỗ sưa giá trị bình thường, thì lái buôn Trung Quốc lại mua tới hàng tỷ đồng/cây. Vậy đâu mới là giá trị thực sự của những cây gỗ sưa đang khiến nhiều đối tượng đổ xô đi săn lùng?

Gỗ sưa chỉ được dùng làm bàn ghế

Cây sưa hiện được ươm trồng phổ biến ở rất nhiều nơi.

Theo Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng- Bộ NN&PTNT Ngô Út, thực hư giá trị gỗ sưa đắt như vàng không biết đến đâu, nhưng có một thực tế đáng buồn là người dân ở nhiều nơi đang đổ xô đi săn lùng loại cây này. Mà cao trào là vụ chặt trộm 3 cây sưa tiền tỷ tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hồi cuối tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, giới khoa học Việt Nam khẳng định, cây sưa chỉ là loại cây gỗ nhóm 2 và thường chỉ dùng làm bàn ghế, lọ lục bình hoặc kèo cột trong nhà.

Thạc sỹ Đỗ Văn Bản - Trưởng phòng Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, gỗ sưa thường được người dân dùng làm nhà và giá trị chỉ được “thổi” lên khi có thông tin lái buôn Trung Quốc thu gom với giá rất cao.

Về mặt chịu lực, gỗ sưa không bằng cây gỗ nhóm 1 như lim, gụ… , thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương.

Ông Bản cho biết thêm, gỗ sưa nằm trong nhóm họ trắc nên có giá trị về gỗ thông thường, nhiều nơi người dân trồng loại cây này để lấy gỗ như Yên Bái, Tam Đảo - Vĩnh Phúc… Loại cây sưa dễ trồng và sau 20 năm cây sẽ có lõi có thể khai thác. Vì dễ trồng, nên cây sưa được phân bố ở rất nhiều nơi, lại có thể phát triển được ở nhiều loại đất khác nhau từ đồi núi đến đồng bằng, thậm chí trồng làm cây bóng mát.

Tuy nhiên, khi nói về giá trị thực của cây gỗ sưa cả ông Út và ông Bản cùng cho rằng, đến nay vẫn chưa thể lý giải được, nhất là, gỗ sưa thuộc góm 2, tức phải trồng từ 40-45 năm mới khai thác cho giá trị. Song, những cây sưa đang được săn lùng và đốn trộm thời gian qua, đường kính chỉ từ 20cm là đã có giá trị tiền tỷ.

Có mùi thơm thoang thoảng

Dù thương nhân Trung Quốc săn lùng gỗ sưa đã lâu, nhưng ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về giá trị thực của loại gỗ này. “Không phải gần đây gỗ sưa mới được thương nhân Trung Quốc lùng mua với giá tiền tỷ, mà đã nhiều năm nay rồi. Như vậy, cũng nhiều khả năng, họ phát hiện ra trong loại gỗ này có tinh chất gì đặc biệt, mang lại lợi ích lớn, hoặc được dùng vào mục đích đặc biệt”, ông Út nhận định. Thậm chí, đến nay, không ai nắm được, tại Việt Nam có bao nhiêu cây sưa và diện tích trồng bao nhiêu.

Song, kết quả giải phẫu đơn giản cũng đã được Thạc sỹ Bản thực hiện. Ông Bản cho biết, sau khi tiến hành “giải phẫu” gỗ sưa cho thấy, điểm nổi trội so với nhiều loại gỗ khác là có tỷ lệ chất chứa (chất tích tụ trong mạch gỗ) rất lớn.

Ngoài ra, mùi của gỗ sưa thơm như gỗ giáng hương, nếu được đóng bàn tủ có mùi thơm thoang thoảng. Tuy nhiên, theo ông Bản, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan, cá nhân nào nghiên cứu sâu về giá trị của chất chứa trong cây này.

“Khó khăn nhất là Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm có đủ công nghệ để phân tích sâu hơn về mạch phân tử trong thành phần của tinh dầu, cấu trúc bên trong của gỗ và thực vật nói chung, thường phải đưa ra nước ngoài phân tích, nghiên cứu mà chủ yếu là đưa sang Trung Quốc. Chắc đến khi Trung Quốc thu mua hết gỗ sưa thì họ mới tiết lộ chiết xuất được chất gì từ loại gỗ có giá mua trên trời này”, ông Bản nói.

Dù không lo ngại về việc khai thác ồ ạt cây gỗ sưa để bán theo lời đồn thổi sẽ gây tác động đến đa dạng sinh học, nhưng ông Út cho rằng, nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay, thì nguy cơ sẽ mất đi một loài cây.

Theo ANTĐ