Thông tư số 31/2014/TT-BCT (Thông tư 31) Quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện có hiệu lực từ 1/7/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện lắp đặt biển báo an toàn điện thiếu thống nhất tại nhiều địa phương khiến cho chức năng cảnh báo không những không thực hiện được mà còn gây mất mỹ quan, phản cảm.
Cụ thể, Điều 15 Thông tư 31 quy định đặt biển báo an toàn điện: Đối với đường dây dẫn điện cao áp trên không, phải đặt biển “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” trên tất cả các cột của đường dây ở độ cao từ 2,0 m đến 2,5m so với mặt đất về phía dễ nhìn thấy.
Tại điều 14, quy định quy cách biển yêu cầu “Viền và hình tia chớp màu đỏ tươi, nền màu trắng, chữ màu đen”.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai… đến thời điểm hiện tại mỗi địa phương có cách đặt biển báo khác nhau, chất liệu, quy cách cũng khác nhau như: in trên đề can, quét sơn trực tiếp lên cột, trên tấm tôn… Trong khi đó, vị trí để biển báo cao thấp cũng không đồng nhất. Thậm chí, một số địa phương còn chưa thay đổi biển báo cũ hoặc sai quy cách.
|
Hàng loạt biển cảnh báo an toàn điện vi phạm Thông tư 31 vẫn tồn tại ở hàng loạt các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên. |
Đơn cử, tại Khu Công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang), phần lớn biển báo an toàn được sơn trực tiếp đen trắng lên các cột điện không đúng với mẫu biển báo an toàn điện tại tại phụ lục II Thông tư 31. Tại Việt Yên (Bắc Giang) một số cột điện vẫn treo biển báo cũ. Tại Phố Chùa Cấm (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cũng treo biển báo không đúng quy cách.
Hay như ngay tại TP. Lào Cai, đường Lê Thanh vẫn tồn tại phổ biến các biển cảnh báo không những không đúng quy cách mà con in ngay sát chân cột điện. Nhiều biển in sơn trực tiếp vào thân cột điện bị mưa nắng làm cho bong tróc, bị những quảng cáo rác đè lên...
Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống gần cột điện được đánh số thứ tự 23, dọc tuyến đường Lê Thanh (Tp.Lào Cai) cho biết: “Nếu không để ý kỹ thì không nhận ra được biển cảnh báo “Cấm trèo” dưới chân cột điện bởi có quá nhiều biển quảng cáo khác in đè lên. Thậm chí, nó được in sát dưới chân cột, cách mặt đất chừng 5-cm, cỏ dại mọc lên che kín biển báo. Đó là chưa kể đến cái hình “đầu lâu xương chéo” được in lên, nhìn mất tính mỹ quan…”.
|
Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, theo quy định cũ trước khi Thông tư 31 ra đời, các cột điện bê tông được đơn vị dùng biển cảnh báo an toàn theo hình thức như sơn trực tiếp trên cột, dán đề can, in chìm. Biển báo làm bằng tôn sơn phản quan được thực hiện treo những chỗ cảnh báo nguy hiểm có đông dân dân cư và cộng đồng đi lại. Đối với các trạm biến áp 110 kV, 220 kV, cột điện kết cấu thép hình, cột điện ở nơi đông dân cư... EVNNPC đã và đang sử dụng biển cảnh báo an toàn bằng thép sơn phản quang có thể tháo rời từ những năm 2011.
EVNNPC cũng thừa nhận theo dõi trong quá trình vận hành thực tế, với địa hình quản lý có 13 tỉnh miền núi, các tỉnh ven biển có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các biển báo theo hình thức sơn trực tiếp trên cột, dán đề can... bộc lộ những nhiều nhược điểm.
Năm 2015-2016, EVNNPC đã đấu thầu mua sắm tập trung các biển báo an toàn điện gồm 5 gói thầu, với tổng giá trị dự toán mua sắm là hơn 52 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 1 mua sắm biển báo với số lượng 155.000 biển báo bằng thép sơn phản quang. Biển báo này có những ưu điểm như thời gian sử dụng dài (10 -15 năm), chịu được trong các địa hình, khí hậu thời tiết khắc nghiệt…
Dù có gần 2 năm để chuẩn bị triển khai Thông tư 31 nhưng sau gần nửa năm thực hiện, thực tế cho thấy sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị thành viên EVNNPC. Đặc biệt, một số địa phương còn làm theo kiểu đối phó cho đủ.
Thái Bình