Khoảng tháng nay, thị trường mắt kính được dịp sôi động. Các cửa hàng kính ở các trục đường lớn nhỏ như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Hồ Xuân Hương... rộn ràng kẻ bán người mua. Có nơi còn bày hẳn kính ra mặt tiền cửa hàng cho khách tiện ghé chọn.

Sức mua tăng gấp đôi

Dạo quanh một số cửa hàng mắt kính tại khu vực trung tâm thành phố cho thấy, thị trường mắt kính đang được mùa. Kính được bày bán trên vỉa hè, mặt tiền cửa hàng có nhiều mẫu mã, màu sắc, giá từ 50.000 – 250.000 đồng/cái. Có người bán thật tình cho biết đây là hàng Trung Quốc tồn kho, sẵn dịp nhu cầu thị trường tăng nên xả hàng. “Giá bán lúc này tốt hơn nhiều so với thời gian xả hàng khuyến mãi cuối năm”, một chủ sạp mắt kính vỉa hè trên đường Trương Định cho biết.

{keywords}

Các sạp kính trên vỉa hè đường Hồ Xuân Hương luôn đông khách. Ảnh: Ngọc Hoài

Ghé vào một cửa hàng mắt kính lớn trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), tại quầy mắt kính kê thêm trước mặt tiền, nhân viên bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ bán hàng ở đây. Bên trong cửa hàng, nhân viên bán hàng cũng tíu tít đón khách. Chị Hương, nhân viên bán hàng cho biết: “Khoảng mấy tuần nay, lượng khách đến mua kính tăng 50%, trung bình có khoảng 100 khách/ngày, có khách mua đến bốn cái một lúc”.

Nhân viên bán hàng cho biết thêm, đa số khách chuộng mua kính trắng không độ. Tuỳ theo nhu cầu, khách có thể chọn mua gọng, sau đó chọn tròng kính lắp vào. Giá gọng tuỳ loại từ 140.000 – 250.000 đồng/cái, tròng kính đa số là plastic có giá từ 170.000 đồng/cặp trở lên. Số khách còn lại là những người ngại người khác nhìn thấy đôi mắt đỏ kém thẩm mỹ nên chọn kính mát, loại kính này tuỳ theo thương hiệu, có giá từ 300.000đ trở lên. Các loại kính trắng và kính mát này có tác dụng chống bụi tốt, chống chói, chống tia UV, độ bền cao.

Ngoài ra, còn có dòng kính bảo hộ, có tròng kính trắng hoặc đen, giá từ 60.000 – 100.000 đồng/cái. Người bán tư vấn, loại kính này thích hợp cho những người đeo kính “chữa cháy” cho qua dịch mắt đỏ. Bởi kính có độ bền chỉ vài tháng, tròng kính dễ trầy xước và bong tróc lớp chống tia UV sau thời gian ngắn sử dụng.

Kính nào tốt cho mắt?

Ở các phòng khám nhãn khoa, bệnh nhân đến khám mắt đỏ cũng nhộn nhịp không kém. Theo ước tính tại khoa mắt, bệnh viện An Sinh thì trong khoảng tháng 9, mỗi ngày có khoảng 50 – 60 người đến khám mắt đỏ, có trường hợp cả gia đình cùng bị đau mắt. Những ngày cao điểm như thứ bảy, chủ nhật, cứ mười bệnh nhân là có tám người bị đau mắt đỏ.

Ths.BS Huỳnh Thị Thu Ba, trưởng khoa mắt bệnh viện An Sinh cho biết: “Nguyên nhân lây bệnh đau mắt là do lây trực tiếp từ dịch tiết ở mắt, mũi, họng như khi người bệnh hắt hơi, cha mẹ hôn con cái. Hoặc lây qua bàn tay khi cầm nắm đồ vật rồi chùi lên mắt. Bệnh không lây khi nhìn nhau”. Thế nhưng hiện nay, vẫn còn khá nhiều người cho rằng bệnh đau mắt lây do nhìn nhau nên đeo kính để tránh lây lan. Có nhiều bệnh nhân đến khám mắt không dám bỏ kính ra vì sợ lây cho bác sĩ.

Chị Thanh, đang lựa mắt kính cho hai con trai tại một sạp vỉa hè trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) chia sẻ tiêu chí chọn lựa của mình: “Xài tạm rồi bỏ nên mua loại thường cho đỡ tốn kém”. Không cùng quan điểm như chị Thanh, một số khác thích chọn mắc kính mắc tiền để yên tâm về chất lượng. Hiện nay, với sự đa dạng về chủng loại và giá cả của mắt kính đang tràn ngập trên thị trường, không thể phân biệt được loại nào tốt hay không tốt. Theo các bác sĩ nhãn khoa, ngay cả những loại kính có chống UV, chống chói cũng chưa hẳn là tốt.

Trước vấn đề trên, BS Thu Ba tư vấn: “Đeo kính khi đau mắt nhằm bảo vệ mắt khi ra đường, để chống bụi, chống gió cho đỡ khó chịu, tránh bệnh diễn biến nặng hơn. Ngoài ra, đeo kính còn có mục đích thẩm mỹ, giúp bản thân người bệnh tự tin khi tiếp xúc người khác chứ không có tác dụng ngăn bệnh. Tuy nhiên, dù mục đích sử dụng tạm thời cũng tránh sử dụng loại kính mà khi đeo mình cảm thấy nhức mắt, chóng mặt”.

Theo SGTT