- Mới về nhà chồng, không cô dâu trẻ nào tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến thì chuyện lo Tết cho nhà chồng càng không đơn giản.

Bối rối chuyện sắm Tết

Sắm Tết không phải là chuyện gì quá to tát, nhưng với nhiều cô gái, đó lại là cả một vấn đề, nhất là khi mới chân ướt chân ráo về làm dâu.

“Nói thật, Tết nhà mình năm nào cũng một tay mẹ lo từ A đến Z. Là con gái lớn, nhưng mình cũng chỉ lăng xăng đưa mẹ đi chợ, chứ chưa bao giờ biết đến danh sách sắm Tết gồm những gì”- Hoàng Anh (24 tuổi) tâm sự.

Nếu như trước kia chuyện sắm Tết chỉ là chuyện nhỏ, chẳng đáng chú ý với Hoàng Anh, thì năm nay đó lại là chuyện thực sự lớn. Bởi sắm Tết cũng thể hiện tài thu vén, nội trợ của con dâu, học sắm sửa Tết cũng là một cách học làm dâu.

“Bố mẹ chồng mình khá kĩ tính. Hai tháng về làm dâu mình cũng va vấp không ít, nhưng Tết này thì lo thực sự. Bởi chẳng biết mua bán từ đâu đến đâu. Chẳng lẽ lại lăng xăng xin làm “xế” đưa mẹ chồng đi chợ?”.

Chính vì thế, cô đã phải cầu viện đến mẹ mình ở quê và còn tranh thủ hỏi han bạn bè có kinh nghiệm. “Mình đã sắm được quà Tết cho bố mẹ chồng, ít quà Tết đem về biếu một số họ hàng thân thích ở quê. Còn đồ dùng Tết thì hôm vừa rồi đi cùng mẹ đẻ đã được mẹ “chỉ đạo” cho tàm tạm. Nhưng vẫn lo lắm, chỉ sợ nấu Tết không hợp khẩu vị bố mẹ… Khoản nấu ăn không thể khắc phục trong một sớm một chiều được!” - Hoàng Anh tâm sự.

Cùng cảnh ngộ với Hoàng Anh là chị Linh - trưởng phòng kinh doanh một công ty ở Mỹ Đình (Hà Nội). Có học thức và địa vị nhưng lận đận tình duyên, mãi đến 30 tuổi chị Linh mới về làm dâu. Chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, chị Linh cũng bối rối và hồi hộp không kém gì lúc chuẩn bị cho đám cưới: “Mình lo lắm. Từng này tuổi đầu rồi mà không biết lo một cái Tết chu toàn thì mất mặt với nhà chồng. Khổ nỗi mình chẳng có kinh nghiệm gì cả...”- chị Linh giãi bày.

 Mới về nhà chồng, không cô dâu trẻ nào tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến thì chuyện lo Tết cho nhà chồng càng không đơn giản - ảnh minh họa, nguồn Internet

Lúng túng trong chuyện mua bán đã đành, nhiều cô dâu trẻ còn rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì hoàn toàn “mù tịt” với những cách chế biến món ăn ngày Tết, bảo quản đồ ăn, trang trí Tết… “Mình đang lo nhất khoản chọn mua và làm thịt gà ngày Tết. Sợ lắm vì thấy bảo mẹ chồng có thói quen tự tay đi chọn gà ngon, làm gà tại nhà. Năm nay có con dâu mới, thể nào mẹ cũng muốn “thử tài” bằng khoản này”- chị Hằng (quận Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết.

Không chỉ lo lắng chuyện con gà ngày Tết, cô dâu 25 tuổi này còn cuống lên đi học nấu các món “tủ” trong bữa ăn ngày Tết của gia đình chồng, ghi chép từng ly từng tý những việc mẹ đẻ dặn dò trong mấy ngày Tết. “Không ngờ những việc dọn dẹp, bày biện, vàng hương ngày Tết cũng lắm kiểu kiêng khem, tập tục thế. Mặc dù chồng đã hứa sẽ luôn sát cánh bên cạnh nhưng mình vẫn lo” - chị Hằng than thở.

Trên diễn đàn webtretho, chia sẻ về nỗi lo làm dâu ngày Tết, một thành viên ấm ức kể về mối bất hòa với cô em chồng và lo lắng những “đụng chạm” có thể xảy ra trong mấy ngày Tết: “Nhà còn một cô em chồng nhỏ hơn mình 2 tuổi . Bố mẹ chồng thì mình chưa lo lắm vì thấy ông bà biết sống nhưng cô em này thì mình nhức đầu lắm. Tuần trước nhỏ nói chuyện với mình phán ngay một câu: "Năm nay Tết nhà em có người dọn dẹp", ý là nói mình đó. Ai cũng biết là con dâu thì phải lo dọn dẹp nhà cửa, nhưng mình ghét làm như mình là osin….”.

“Mình lương 5 triệu còn ông xã mình 3 triệu nên cũng không biết năm nay sẽ phân chia tiền biếu Tết cho bố mẹ hai bên như thế nào…” - thành viên này kể thêm.

Khéo léo trong cư xử

Chưa có kinh nghiệm, thiếu hụt kĩ năng về nội trợ đã khiến những cô dâu trẻ lo lắng đến vậy. Thay vì ngồi một chỗ than thở hay rối tung vì lo đối phó, nhiều người đã nhanh chóng tìm ra những giải pháp hợp tình hợp lý.

“Thay vì ôm mối lo một mình, mình bàn với chồng thật thà hỏi ý kiến bố mẹ cho thật cẩn thận. Không ngờ bố mẹ rất nhiệt tình chỉ bảo. Mẹ chồng còn vui vẻ bảo mình đi sắm Tết thì bảo mẹ đi cùng. Mình trút được cả nửa phần gánh nặng rồi!…”- chị Linh khoe.
 

"Con dâu mới dù có đoảng, có vụng làm nhưng biết ý và thành thật quan tâm thì bố mẹ nào cũng sẵn sàng chỉ bảo” - Ảnh minh họa, nguồn Internet

Khéo léo trong cư xử nên chị Linh đã được mẹ chồng giúp lên danh sách đồ Tết khá chi tiết, ngay cả việc quà Tết cho những ai, mua cái gì cũng được mẹ chồng nhiệt tình góp ý. Tuy vậy, để bố mẹ hài lòng, chị đã phải lặn lội nhờ người quen mua giúp một con lợn rừng 20kg cho Tết, đồ khô như măng, nấm, mọc nhĩ đều gửi mua toàn đồ rừng, đồ hiếm.

“Mình đi làm bận bịu tối ngày, còn thiếu sót nhiều trong việc tề gia nội trợ. Thôi thì cứ cẩn thận để bố mẹ chồng nhận ra và ghi nhận sự cố gắng ấy của con dâu” - chị Linh chia sẻ.

Trên diễn đàn Webtretho, nhiều thành viên đã í ới truyền đạt những kinh nghiệm dâu mới lần đầu lo Tết cho nhà chồng. “Mình lấy chồng được 5 năm, cũng trải qua 5 cái tết với bố mẹ chồng nhưng mình thấy cũng không có gì phức tạp cả” - thành viên Thuymieu... chia sẻ.

Chị kể: “Tết năm đầu tiên: lương mình có 300 nghìn, chồng hơn 1 triệu, mình mua hoa về cắm, chồng mua bịch rượu vang về Tết 2 nhà, tiền ít nên vẫn chờ bố mẹ mừng tuổi. Trưa 30 Tết ăn nhà ngoại, chiều 30 Tết ăn nhà nội. Mùng 1 nhà nội, mùng 2 nhà ngoại... Các năm tiếp theo, kinh tế khá hơn thì đóng góp được nhiều hơn, sắm thêm được nhiều đồ hơn, có tiền mừng tuổi ba mẹ 2 bên nhiều hơn. Quan điểm của mình, kinh tế có nhiều biếu nhiều, có ít biếu ít, quan trọng là thái độ và cách đối xử của mình thôi”.

Bàn về chuyện dâu mới sắm Tết nhà chồng, bác Hồng (thị trấn Phùng- Hà Nội) chia sẻ: “Thời buổi bây giờ bố mẹ chồng đã thoáng tính hơn rất nhiều. Thế hệ như chúng tôi không còn muốn thử thách, làm khó con dâu mới làm gì. Miễn sao cho có trên có dưới, trong ngoài hòa thuận là được. Con dâu mới dù có đoảng, có vụng làm nhưng biết ý và thành thật quan tâm thì bố mẹ nào cũng sẵn sàng chỉ bảo”.

  • Quỳnh Anh